Tiến sĩ Pawin Padungtod, Điều phối viên Kỹ thuật Cấp cao, FAO Việt Nam, cho biết về mặt kỹ thuật, virus H5N8 có chung đặc điểm kháng nguyên với virus H5N6 đang lưu hành tại Việt Nam. Do vậy vaccine cúm gia cầm hiện tại được sử dụng tại Việt Nam vẫn tiếp tục có tác dụng với H5N8.

Để phòng tránh lây nhiễm cúm H5N8, FAO và WHO khuyến cáo người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại khu vực nuôi; tuân thủ đúng lịch tiêm phòng cho gia cầm; báo cáo các trường hợp gia cầm chết bất thường; không cho khách vào khu vực nuôi.

{keywords}
Từ đầu tháng 6/2021 đến nay đã phát hiện chủng virus CGC A/H5N8 tại 3 tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh.

Đối với cộng đồng, thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, trong quá trình nấu ăn và sau khi tiếp xúc với động vật; nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm và trứng. Rửa sạch, làm vệ sinh tất cả các bề mặt và dụng cụ được sử dụng để chế biến; không ăn tiết canh gia cầm; tránh tiếp xúc động vật ốm hoặc chết.

Trước đó, ngày 8/2, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát phòng chống bệnh cúm gia cầm và chủng virus cúm gia cầm lây sang người.

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 40 ổ dịch cúm gia cầm tại 14 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 100.000 con gia cầm. Nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 tiếp tục lây lan, xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao.

Để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 đang xảy ra tại địa phương, đồng thời chủ động ngăn chặn chủng virus xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu địa phương khẩn trương bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Minh Thu