Thị trường ‘khát’ nhân lực CNTT chất lượng cao
Công nghệ thông tin đang phát triển cùng với thời đại, luôn nằm trong nhóm ngành hot với mức thu nhập cao. Do đó, nhân sự ngành này đòi hỏi phải liên tục cập nhật những xu hướng công nghệ, kiến thức, rèn luyện mỗi ngày để không bị “bỏ lại phía sau” trong kỷ nguyên 4.0.
Theo số liệu thống kê của DxReports, tỷ lệ nhân nhân lực ngành công nghệ thông tin Việt Nam ước tính đạt khoảng 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động hiện nay. Đồng thời, báo cáo nguồn nhân lực của TopDev cũng cho biết nhu cầu nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam đang tăng cao liên tục. Dự báo từ năm 2022 - 2024, Việt Nam vẫn thiếu hụt 150.000 - 195.000 lập trình viên/ kỹ sư hằng năm. Đáng chú ý, hiện nay chỉ có 35% trong số 57.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, số còn lại phải đào tạo lại.
Dù có mức lương hấp dẫn dao động trong khoảng 13,8 - 25 triệu và 30 - 50 triệu đồng tùy theo số năm kinh nghiệm, nhưng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của công nghệ và yêu cầu đầu vào từ các doanh nghiệp. Điều này cho thấy, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu thị trường là vấn đề cần tìm ra giải pháp khắc phục sớm.
Đại diện trung tâm ATCollabo, bà Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ: “Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải khó khăn về tuyển dụng nguồn nhân lực CNTT đạt chất lượng đầu vào cùng khả năng bắt nhịp nhanh với đội ngũ. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp thường phải mất nguồn lực bao gồm nhân lực, tài chính và thời gian đào tạo cho các nhân sự mới. Điều này tác động đến tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.”
Cầu nối từ nhà trường đến doanh nghiệp
“Học sinh, sinh viên thường có một khoảng cách kiến thức thực tiễn giữa lý thuyết tại nhà trường và yêu cầu của nhà tuyển dụng. Do đó, vai trò của doanh nghiệp như một cầu nối giữa đào tạo IT tại nhà trường và thị trường lao động giúp đảm bảo nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghệ thông tin”, bà Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.
Trước nhu cầu về nhân lực CNTT tăng mạnh, đồng thời đòi hỏi chất lượng nhân sự phải đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, trường công nghệ ATCollabo do các giảng viên từ những trường Đại học danh tiếng của Hàn Quốc, những kỹ sư tại các trung tâm khởi nghiệp Hàn phối hợp cùng đội ngũ chuyên gia tại Việt Nam mở các khóa đào tạo thế hệ nhân lực số với các ngành học rất thu hút hiện nay như Lập trình Game (Unity, Unreal, VFX); Lập trình Web full stack; Trí tuệ nhân tạo (AI, ML, DL); Khoa học dữ liệu; Lập trình cho trẻ em (Robotics, Drone, VR, AR, Scratch)… Trong đó, chương trình Backend Rookie Hackathon 2023 chú trọng đào tạo thực hành cho người làm Backend, một vị trí mà các doanh nghiệp công nghệ luôn cần đến.
“Tôi tin rằng việc trang bị kiến thức đón đầu xu hướng và khả năng thực tiễn sẽ giúp các bạn sinh viên trở thành nguồn nhân lực số cốt lõi của thị trường, và tăng khả năng cạnh tranh vốn đang dần khắc nghiệt hơn trong tương lai”, bà Nguyễn Hoàng Anh nói.