Đã vài chục năm nay, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) hiện được coi là “vương quốc” gà chọi vùng châu thổ sông Cửu Long.
Điều đáng nói, ngoài gà chọi truyền thống thì ở Chợ Lách hiện nay, có nhiều loại gà khác như gà tre, gà kiểng, gà Thái cũng được người dân gây giống, thả nuôi. Với người dân nơi đây, gà là bầu bạn, là niềm vui và thú chơi tao nhã chứ không đơn giản chỉ là loài gia cầm thông thường.
Đổi đời cùng gà
Nằm sát bên lề tuyến quốc lộ 57, trại gà của anh Nguyễn Văn Tám 35 tuổi, ở xã Sơn Qui (huyện Chợ Lách) nhìn phía ngoài khá rộng rãi ở trong khuôn viên căn nhà hai lầu sơn xanh. Phía trước, cùng với những chiếc lồng thép nhốt gà là mấy cái ghế nhựa để vợ chồng anh bán nước mía cho khách qua phà Tân Phú sang bên Châu Thành.
Tiếp chuyện với tôi, anh Tám cười bảo: Mình bắt đầu nuôi gà chọi được hơn chín năm nay. Cũng là do tình cờ bởi trước ấy còn đang làm công nhân trên Tân Tạo (TP.HCM) mà thấy mấy người trong xóm trọ hay nuôi gà đòn. Nhìn qua cũng không khác gà thường nhưng giá rất mắc, có khi lên đến năm bảy triệu một con.
Thế là mình nảy sinh ý định nuôi gà vì thấy gà dưới quê nuôi rất dễ. Ngày nhỏ có lứa gà nào, mình chăm sóc đều lớn rất ngon. Sau mấy tháng đắn đo, mình quyết định nghỉ việc ở một công ty giày da, về đây gầy dựng đàn gà. Ban đầu gia đình cũng bất ngờ vì ở trên thành phố làm lương cũng bốn, năm triệu, chịu khó tăng ca có khi còn hơn. Về quê với mấy con gà thì kiếm đâu ra tiền.
Vợ anh, chị Bùi Thị Liên 29 tuổi quê ở Phù Cát (Bình Định) bảo: Lúc đầu nghe chồng nói về quê, cả hai cùng bỏ việc tôi bất ngờ lắm vì làm công nhân tuy vất vả nhưng công việc ổn định. Chỉ cần chịu khó là cuộc sống cũng thoải mái. Vì lúc đó đứa con lớn còn nhỏ, về quê thì biết làm gì mà nuôi con. Thế nhưng, anh ấy cứ quyết tâm, tôi cũng phải chiều theo.
“Thế nhưng, khoảng nửa năm mầy mò, chăm sóc tỉ mỉ thì bắt đầu có khách đặt gà. Lúc đó chủ yếu là khách ở trên TP.HCM. Trên đó, nhiều người mê gà, thích nuôi gà nhưng lại khó có điều kiện gầy dựng đàn gà, nhân giống gà như ở đây nên cơ hội của vợ chồng tôi rất nhiều.
Hầu như tuần nào anh Tám cũng bắt xe đò lên bỏ gà cho khách. Thú thực, không như gà thịt, gà chọi mà bán được con nào là lãi năm bảy lần con đó. Đến giờ, cuộc sống của gia đình tôi đã tạm ổn, tết năm ngoái còn dựng được căn nhà này sau mấy năm dành dụm từ nghề nuôi gà nữa”, chị hãnh diện bảo.
Theo tìm hiểu, điều khá đặc biệt là dù nghề nuôi gà kiểng ở Chợ Lách có từ khá lâu đời nhưng hiện nay, hầu hết các chủ gà nuôi đều còn khá trẻ. Anh Nguyễn Văn Thịnh, 32 tuổi, một người nuôi gà ở xã Vĩnh Thành cho biết trước kia anh làm nghề lái xe chở tôm ở Mỹ Tho lên chợ Bình Điền (TP.HCM) bán.
Mấy năm trước, nhận thấy nghề nuôi gà đang phát triển, anh lập tức bỏ lái xe về nhà đeo đuổi nghiệp gà.
“Chi phí đầu tư không quá mắc nhưng quan trọng phải có niềm đam mê. Ngoài ra, nhờ thương hiệu gà Chợ Lách cũng khiến nhiều khách hàng ở xa thích thú. Vì thế, gà chọi vựa của tôi xuất chuồng con nào đều được khách chọn con đó. Đặc biệt, do ít thua trận nên gà ở Chợ Lách được nhiều người tìm mua”.
Tuy nhiên, anh Thịnh cũng cho rằng, nghề nuôi gà cũng không dễ dàng gì vì ngoài kỹ thuật chăm sóc, chọn lựa, nhân giống các loại giống gà tốt thì còn phải nắm bắt thật khéo nhu cầu của thị trường.
“Như mình, chỉ cung cấp gà cho khách ở trên TP.HCM nên phải nắm được nhu cầu của khách. Như dịp Tết Đinh Dậu này, nhiều người muốn chơi gà chọi nhưng phải đẹp, lông màu đỏ, biểu trưng cho sự thịnh vượng thì càng tốt. Ngày xuân, ít khách chịu mua gà có lông màu đen.
Ngoài ra, dịp Tết nhiều khách muốn mua gà kiểng, gà tre mini nên mình đã ém hàng để chuẩn bị”, anh tiết lộ. Được biết, ngoài khách lẻ thì hiện nay chủ yếu anh Thịnh cung cấp gà cho những vựa buôn gà, chim cảnh ở thành phố. Hơn nữa, anh còn lập hẳn một trang Web trên mạng internet để cập nhật, quảng cáo về gà cho khách hàng và bạn bè để mua bán, trao đổi và cả kỹ thuật chăm sóc gà.
Được biết, mặc dù chọi gà, đá gà ăn tiền là hành vi vi phạm pháp luật nhưng nghề nuôi gà chọi ở Chợ Lách vẫn rất phát triển, thu hút hàng ngàn hộ dân tham gia. Người dân và khách hàng ở đây đều coi gà chọi là một thú chơi, một niềm vui, sự đam mê lành mạnh. Nó cũng tương tự như việc cá độ bóng đá ăn tiền là phạm pháp nhưng xem đá bóng để thưởng thức, cổ vũ thì lại là niềm đam mê của hàng triệu người.
Công phu nghề chơi
Từ mấy chục năm qua, nghề nuôi gà ở Chợ Lách đã rất phát triển do điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất này mát mẻ, nằm giữa 2 con sông lớn là Cổ Chiên và Hàm Luông. Vì thế, hầu hết các xã ở Chợ Lách đều thu hút người nuôi gà. Những ngày đầu xuân này, dọc các tuyến đường qua các xã Vĩnh Thành, Tân Thiềng, Long Thới, Sơn Định, thị trấn Chợ Lách,... những lồng gà đặt ven đường san sát nhau, tiếng gà gáy dõng dạc khiến vùng quê yên bình này thêm nhộn nhịp..
Ông Nguyễn Văn Lanh, một người có tới 30 năm nuôi gà ở xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) thì nuôi gà quan trọng nhất là giống và kỹ thuật chăm sóc. Riêng về kỹ thuật chăm sóc gà, ông cười chỉ ra những chiếc lồng sắt đang đặt giữa sân tiếp lời.
Chăm sóc gà chọi là việc làm rất khó, đòi hỏi cả sự đam mê vì rất kỳ công. Ngày này qua ngày khác, như chăm sóc con nhỏ chứ không giống gà thường. Từ khi chọn giống, gà ở đây đã được lựa rất kỹ càng. Gà trống phải là con to khỏe, chân cao, nặng ít nhất cũng phải ba bốn ký lô. Còn gà mái cũng phải nhanh nhẹn, hung hăng càng tốt. Khi có giống tốt, những con gà tạo ra sẽ mang nhiều đặc điểm ưu việt hơn. Rồi khi bắt đầu nở, gà đã được cho ăn bằng gạo tấm để dễ tiêu hóa. Khi gà bắt đầu sinh trưởng mạnh, thức ăn của gà rất cầu kỳ. Ngoài gạo ngâm nước thì gà còn phải thường xuyên được chăm sóc bằng các thức ăn giàu chất đạm như lươn, cá, thịt bò, ếch,... tươi sống. Nếu là các loại gà đòn, thời điểm “mở mỏ”, tức là bắt đầu cho gà làm quen với các cuộc chiến thì cần phải chăm sóc kỹ lưỡng hơn.
Hàng ngày phải ngâm rượu, tỏi và nghệ thành một hỗn hợp chất để xoa bóp lên thân, đùi và cổ gà tạo cho gà lớp da, cơ thể săn chắc, khỏe mạnh. Rồi gà còn phải được tắm sương, phơi nắng mỗi sáng sớm. Khi gà đi “thử chân” thì cựa phải được bịt lại để tránh gây thương tích cho đối thủ. Nếu gà thường chỉ nửa năm là xuất chuồng thì gà chọi thường phải trên một năm.
Tuy nhiên, nếu chưa có khách ưng, gà vẫn được chăm sóc và tập luyện bình thường. Một con gà ở Chợ Lách có thể chọi tốt được từ 2-3 năm, sau đó thì được dùng làm giống để di truyền.
Về những con gà quý của mình, ông Lành chẳng giấu diếm gì, chỉ vào một lồng nằm ở ngay góc gần gốc mai bảo: Đó là con Kim Kê gần 2 tuổi, có khách trả 35 triệu đồng nhưng tôi chưa bán vì đợi gần Tết xem có ai trả giá cao hơn hay không. Được biết, dù chưa xuất chuồng nhưng với đặc điểm chân cao, đùi chắc, cổ dài, cựa quắm sắc, mỏ sâu,... nên đây sẽ là một chú gà khó có đối thủ. Qua nhiều trận đánh thử, con Kim Kê này đều dễ dàng lấn lướt đối phương. Ngoài con Kim Kê thì hầu hết các con gà khác trong vựa của tôi đều có giá từ 7-8 triệu đồng cả.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bến Tre, nghề nuôi gà ở Chợ Lách đã có từ lâu đời. Do có nguồn gen là giống gà quý, khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh và khí hậu phù hợp, gà ở Chợ Lách được nhiều người ưa thích. Lãnh đạo tỉnh đang có kế hoạch bảo tồn nguồn gen của giống gà quý này nhằm tránh mất mát và cũng là để xây dựng thương hiệu gà của quê hương.
Đặc biệt, mấy năm gần đây, do đời sống người dân có nhiều tiến triển, khấm khá hơn trước đồng thời nhu cầu của thị trường, chủ yếu là khu vực TP.HCM, tăng cao khiến nghề nuôi gà mang lại thu nhập cho nhiều người.
Thậm chí, nhiều trại gà còn cung cấp gà giống, gà đá chọi cho cả nước ngoài, đặc biệt là khu vực trường gà bên Campuchia hay bên Thái Lan, nơi mà thú chơi gà chọi cực kỳ phát triển.
(Theo Kiến thức gia đình)