Theo truyền thông Nga, phiên bản mới có thể được phóng từ xa và có khả năng liên lạc với các UAV khác, nhằm tấn công dồn dập theo cơ chế bầy đàn vào mục tiêu. Khi một UAV trong nhóm phát hiện mục tiêu, nó nhanh chóng kết nối với các máy bay không người lái khác để thực hiện nhiệm vụ.
Phương pháp tấn công bầy đàn là khi một số lượng lớn UAV cùng lao vào một mục tiêu cụ thể. Mục đích là làm rối loạn hệ thống phòng không đối phương nhằm tìm ra lỗ hổng, đồng thời gây ra sức công phá lớn nhất với những mục tiêu có giá trị.
Ông Alexander Zakharov, quan chức cấp cao của công ty Zala Aero cho hay, UAV mới này gần như không có đối thủ và không có phương tiện nào đối phó được với nó. “Thế hệ UAV Lancet mới sẽ hành động theo hiệu lệnh của người vận hành, nhưng cũng có thể lựa chọn mục tiêu hoàn toàn tự động”.
UAV này đủ thông minh để nhận biết các radar và hệ thống phòng không là những mục tiêu giá trị. Nó cũng biết lựa chọn đối tượng lớn hơn nếu đứng trước nhiều mục tiêu. Nếu phát hiện ra xe tăng và radar cùng lúc, UAV sẽ tấn công radar.
Thông số cụ thể của UAV Product-53 vẫn chưa được tiết lộ, song nhiều khả năng sẽ tương tự như UAV Lancet.