Ngay từ phút thứ 3, công nghệ mới đã giúp đội chủ nhà Qatar thoát bàn thua sớm trước Ecuador, đại diện đến từ Nam Mỹ.
Trong video quay lại, tình huống được công nghệ mô phỏng dưới dạng 3D, có độ chi tiết cao đến từng tư thế và cử động chân, tay của cầu thủ. Nhờ công nghệ mới, các trọng tài trong phòng VAR đã phát hiện cầu thủ của Ecuador tham gia tình huống bóng trong tư thế việt vị khi 1 phần chân cầu thủ này đã vượt qua vạch kẻ.
World Cup 2022 là kỳ tổ chức bóng đá đầu tiên sử dụng công nghệ bắt việt vị bán tự động, sử dụng 12 camera chuyên dụng gắn dưới mái sân vận động và đồng bộ hoá với một loạt công nghệ đang được sử dụng trước đó như công nghệ goal-line, VAR.
Theo FIFA, các camera bám sát mọi chuyển động của trái bóng cùng 29 điểm dữ liệu trên cơ thể cầu thủ với tốc độ truyền tải dữ liệu 50 lần/giây, từ đó mô phỏng chính xác vị trí của họ trên sân và hỗ trợ trọng tài trong việc đưa ra quyết định bắt việt vị.
Cùng với đó, trái bóng của World Cup 2022, có tên Al Rihla do Adidas sản xuất, cũng được trang bị cảm biến đo lường quán tính (IMU), có chức năng gửi dữ liệu về phòng điều hành video 500 lần mỗi giây.
Bằng cách đồng bộ dữ liệu theo dõi chân tay và quả bóng, kết hợp trí tuệ nhân tạo, công nghệ bắt việt vị bán tự động sẽ đưa ra cảnh báo về tình huống. Các trọng tài giám sát video sẽ kiểm tra thủ công điểm phát bóng với đường việt vị được tạo tự động, trước khi thông báo tới trọng tài đang điều khiển trận đấu trên sân.
Sau khi quyết định được xác nhận bởi trọng tài trên sân, các điểm dữ liệu vị trí được chuyển thành hình ảnh 3D mô phỏng vị trí chân, tay của các cầu thủ tại thời điểm đó. Hình ảnh 3D hiển thị góc nhìn tốt nhất cho thấy 1 tình huống việt vị, được chiếu trên màn hình khổng lồ tại sân và cung cấp cho các đối tác phát sóng của FIFA.
Thế Vinh (Tổng hợp)