8h sáng tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, không còn cảnh đông đúc chờ đợi. Từ khi áp dụng thành công chuyển đổi số vào quy trình quản lý khám chữa, nơi này đã "dễ thở" hơn trước bài toán ùn ứ bệnh nhân.
Trước khi vào khám, bệnh nhân thực hiện lấy Face ID. Quy trình khám bệnh theo kiểu số hóa này được hiểu là bệnh nhân đặt lịch khám trước với việc chọn chuyên khoa, giờ khám theo nhu cầu của bản thân. Sau khi đến viện, mọi thông tin đã được cập nhật đến cho bác sĩ khám nên không còn có cảnh phải xếp hàng, lấy số. Người bệnh theo lịch hẹn đã đặt trước vào gặp thẳng bác sĩ.
Ông Nguyễn Công Lĩnh (59 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang theo lịch hẹn trước với bác sĩ. Không cần chờ đợi, kết quả khám bệnh của ông cũng sẽ được gửi về tin nhắn điện thoại và phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) để bác sĩ cập nhật.
Với áp dụng chuyển đổi số, những bệnh nhân khám chữa bảo hiểm như ông Lĩnh đến giờ chỉ mất 25 phút để hoàn tất việc khám và lấy thuốc.
Bệnh nhân sẽ được tạo mã QR để lưu lại hồ sơ khám chữa bệnh trên hệ thống. Trong quá trình nhập viện hoặc tái khám, bác sĩ sẽ theo dõi bệnh án thông qua ứng dụng trên điện thoại. Mọi dữ liệu cận lâm sàng như xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm, nội soi… của bệnh nhân đều được cập nhật lên phần mềm quản lý bệnh viện.
Số hóa, quản lý bệnh nhân bằng mã số điện tử giúp bác sĩ giảm bớt phần lớn thời gian ghi chép, tìm kiếm thông tin bệnh nhân. Ngoài ra, chỉ cần một mã số bệnh nhân kèm lời mời hội chẩn, các bác sĩ tại khoa khác có thể truy cập hệ thống để nắm bắt thông tin bệnh án, xét nghiệm cận lâm sàng và hội chẩn ngay, thay vì phải có giấy mời hội chẩn kèm tóm tắt bệnh án gửi tận tay.
Bác sĩ Đinh Thế Tiến cho biết: “Gần nửa năm nay, thay vì ôm từng chồng bệnh án khi thăm khám từng bệnh nhân tại giường, mỗi bác sĩ chỉ cần cầm điện thoại cài “App đi buồng”. Đây là thiết bị cho phép truy cập, rà soát thông tin nhanh từ lịch sử điều trị, dị ứng thuốc, ra y lệnh ngay tại giường bệnh và cập nhật ngay lên bệnh án bệnh nhân thay vì ghi chép. Bệnh nhân cũng được xem kết quả chiếu chụp, siêu âm, xét nghiệm ngay trên ứng dụng này”.
Từ một năm nay, chiếc đèn đọc phim X-quang, cộng hưởng từ (CT), chụp cắt lớp (MRI) ở phòng giao ban, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Đức Giang trở nên thừa thãi. Không in phim, các bệnh viện tiết kiệm được hàng tỷ đồng mỗi năm để tái đầu tư cho ứng dụng công nghệ. Phim, đèn đọc chỉ là hai trong số rất nhiều vật dụng dần biến mất ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nhờ chuyển đổi số.
Lê Diệu Thúy, Nguyễn Thị Hà Sơn