Trả lời PV.VietNamNet tại họp báo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban 389) ngày 22/1, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường đã có thông tin về vụ việc “lụa Tàu gắn mác made in Việt Nam” của Khaisilk.

{keywords}
Vụ Khaisilk bán lụa tàn gắn mác Made in Việt Nam gây xôn xao dư luận.

Ông Trần Hữu Linh cho hay: Sau khi Bộ Công Thương chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra, thì đến nay Bộ Công Thương chưa nhận được văn bản nào của cảnh sát điều tra về vụ việc trên.

Ông Linh cũng cho biết về quy trình, Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra thì không cần thiết phải có văn bản nhắc lại nữa.

“Chúng tôi cũng muốn biết sớm kết quả vụ việc để có kết luận cuối cùng”, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho hay.

Trước đó, tại cuộc họp báo của Ban 389 vào tháng 8/2018, thì vụ việc Khaisilk cũng được báo chí hỏi đến. Khi đó, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho hay “không cập nhật được thêm thông tin về việc xử lý sau khi đã chuyển cơ quan công an”.

“Tôi có tham gia kiểm tra tra cửa hàng Khaisilk ở thành phố Hồ Chí Minh. Hiện quản lý thị trường đã chuyển vụ việc sang cơ quan công an. Lâu ngày tôi không trực tiếp nắm vụ việc này mà đã bàn giao công việc cho đồng chí khác nên chưa rõ kết quả ra sao”, ông Nguyễn Trọng Tín cho hay.

Ngày 11/12/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị liên quan đến vụ Khaisilk bán lụa Tàu gắn mác Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, công ty này đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty cho thấy cho kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”).

Khải Đức có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Công ty cung cấp thông tin tới người tiêu dùng thông qua website với một số nội dung không chính xác. Đồng thời, công ty đã bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam trong cùng cửa hàng nhưng đã không giới thiệu hoặc thông tin không đầy đủ cho người tiêu dùng về xuất xứ và thành phần của các sản phẩm này.

Căn cứ kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Lương Bằng