Tại lễ khai trương các dịch vụ công trực tuyến mức 3 thuộc lĩnh vực Đường thủy nội địa diễn ra chiều ngày 22/11/2016, đại diện lãnh đạo Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, ngày 30/10/2015, Bộ GTVT đã phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho các thủ tục hành chính của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam”.
Đến nay, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã hoàn thành 100% việc xây dựng các dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý của Cục. Trước đó, trong năm 2015, Cục đã thực hiện công bố cung cấp trực tuyến được 25 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT, Cổng một cửa Quốc gia, trong đó có 21 thủ tục dịch vụ công và 4 thủ tục hải quan một cửa.
Năm 2016, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đăng ký với Bộ GTVT thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 21 thủ tục. Tuy nhiên, từ đầu năm đến tháng 10 năm nay, Cục đã phối hợp với Trung tâm CNTT và Liên danh nhà thầu - Công ty TNHH giải pháp phần mềm CMC và Công ty hợp danh công nghệ tàu thủy (STC) triển khai xây dựng phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên nền tảng OpenCPS (http://opencps.vn) cho 32 thủ tục còn lại của Cục, gồm: 7 thủ tục lĩnh vực cảng bến, 6 thủ tục lĩnh vực vận tải và 19 thủ tục về quản lý kết cấu hạ tầng. OpenCPS là phần mễm lõi phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các cấp độ 2, 3, 4 phù hợp với quy định của nhà nước về thủ tục hành chính và các quy định của Bộ TT&TT về dịch vụ công trực tuyến các cấp độ. Đây là sản phẩm nguồn mở đầu tiên được phát triển nhằm mục tiêu hiện thực hóa Nghi quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
Đồng thời, trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2016, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã đào tạo, tuyên truyền cho các đơn vị chức năng và một số doanh nghiệp vận tải thủy về việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đến tháng 10/2016, toàn bộ 57 thủ tục hành chính bao gồm 64 quy trình xử lý công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã được xây dựng đạt mức 3-4, với 54 thủ tục mức 3 và 3 thủ tục mức 4, cho 4 lĩnh vực: quản lý phương tiện và thuyền viên (19 thủ tục); quản lý cảng, bến thủy (11 thủ tục), kết cấu hạ tầng (11 thủ tục) và vận tải, an toàn giao thông (8 thủ tục).
Từ ngày 1/11/2016, Cục này đã triển khai chạy thử phần mềm dịch vụ công trên hệ thống thực tại Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT đồng thời thông báo, tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp việc áp dụng thí điểm.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, sau 2 năm thực hiện, Cục đã hoàn thành việc xây dựng và công bố 100% dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống được thiết kế liên thông: người dân khi có nhu cầu có thể đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng thông tin, nhận được các thông báo xử lý yêu cầu, thông báo bổ sung hồ sơ tức thời để có thể bổ sung làm rõ hồ sơ…
"Việc xây dựng các dịch vụ công trực tuyến nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng môi trường liêm chính cho cán bộ công chức, hạn chế tối đa các tiêu cực, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu vận tải, là động lực để người dân và doanh nghiệp tham gia vận tải thủy nhiều hơn”, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhấn mạnh.
Theo thống kê, đến ngày 15/11/2016, tổng số hồ sơ yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam giải quyết trong năm nay là 313.544 hồ sơ. Trong đó, số lượng hồ sơ được đăng ký gaiir quyết qua mang và qua tin nhắn là 9.071 hồ sơ. Với hình thức làm thủ tục rời, vào cảng bến thủy nội địa bằng tín nhắn, tính từ thời điểm thí điểm là ngày 16/8/2016 đến ngày 18/11/2016, đã có 7.150 phương tiện áp dụng hình thức này trên tổng số 41.719 phương tiện vào cảng bến thủy nội địa, chiếm 17%. Trong đó, có khu vực cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV (Tây Nam Bộ) đạt tỷ lệ 38%.
Bên cạnh việc hoàn thành 100% các thủ tục hành chính cấp độ 3 và 4, đến thời điểm hiện tại, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã tự xây dựng và triển khai 12 phần mềm để tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý ngành, tập trung vào các khía cạnh: kết cấu hạ tầng; có sở dư liệu trực tuyến quản lý cảng, bến thủy; phương tiện thủy nội địa…
Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho hay, trong năm 2017, Cục sẽ tiếp tục cung cấp thêm các thông tin quản lý trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT và Cục; đánh giá và tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp tất cả các dịch vụ công theo hướng đơn giản, dễ tiếp cận, tăng cường ứng dụng CNTT, khoa học công nghệ trong tất cả các hoạt động của Cục; đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các mặt; tăng cường tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước tại Cục theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại phù hợp với điều kiện thực tế, đem lại nhiều lợi ích cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; tiết kiệm về thời gian, công sức, chi phí, hạn chế nguy cơ phát sinh tiêu cực, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng vận tải thủy tại Việt Nam với mục tiêu đến năm 2020 hệ thống vận tải đường thủy sẽ trở thành một phương thức vận tải mạnh, đảm bảo sản lượng hàng hóa đường thủy nội địa đến năm 2020 đạt 356 triệu tấn/năm hàng hóa liên tỉnh; thị phần vận tải liên chỉnh chiếm 32,38%, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nói.
Thông tin từ Bộ GTVT cho hay, thực hiện kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm 2016, đến nay Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng 96 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Trong đó có 32 thủ tục lĩnh vực Đường thủy nội địa, 10 thủ tục lĩnh vực Đường bộ, 14 thủ tục lĩnh vực Đường sắt và 40 thủ tục lĩnh vực Hàng không.