thue.jpg
Hầu hết DN vẫn lựa chọn phương thức kê khai bằng hồ sơ giấy

Lúng túng vì thiếu cơ chế

Hệ thống KTQM được Tổng cục Thuế triển khai nhằm thực hiện cải cách hành chính thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT), giảm chi phí về thời gian, kinh phí và thủ tục giấy tờ trong việc khai thuế; đảm bảo thông tin và số liệu khai thuế của NNT được gửi đến cơ quan thuế một cách nhanh chóng, chính xác; giảm thiểu tình trạng quá tải tại cơ quan thuế khi đến kỳ hạn nộp hồ sơ khai thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, còn rất nhiều “lực cản” đối với việc triển khai KTQM trong cộng đồng DN.

Ông Phạm Quang Toàn, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thuế đã thẳng thắn nêu ra khá nhiều bất cập.

Điển hình, về mặt cơ chế, chính sách, hiện vẫn chưa có văn bản pháp lý quy định rõ trách nhiệm sử dụng, bảo quản chứng thư số, hoặc lưu trữ hồ sơ khai thuế điện tử khi KTQM. Các DN KTQM vẫn đang phải in thêm hồ sơ giấy để lưu trữ phục vụ công tác thanh tra kiểm tra do 1 số cơ quan chức năng khi đi thanh tra kiểm tra không đồng ý sử dụng hồ sơ điện tử. Bất cập này đã được phản ánh với Bộ TT&TT, song đến giờ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, đầy đủ.

“Thời gian tới sẽ có quy định rõ hơn về chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử. Khi đó, các cơ quan Nhà nước sẽ phải quy định rõ hơn về lưu trữ điện tử”, ông Toàn cho biết.

Lỗi hạ tầng ứng dụng

Phân tích thêm về “lực cản” đối với KTQM, ông Viên Viết Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội nhấn mạnh tới những tồn tại về hạ tầng ứng dụng.

Theo ông Hùng, phần mềm hỗ trợ kê khai thuế iHTKK chưa bao quát hết các loại tờ khai DN phải nộp nên có tờ khai DN nộp điện tử, có tờ khai vẫn phải nộp bằng bản giấy (tờ khai 07 - 09/TNDN theo Thông tư 130, báo cáo ấn chỉ mẫu BC 08/AC theo Thông tư 120, bảng kê excel kèm theo tờ khai Dự án đầu tư 02/GTGT...). Sự không đồng bộ này khiến DN không mấy “hứng thú” với phương thức kê khai bằng công nghệ hiện đại.

Đã thế, phần mềm hỗ trợ kê khai thuế lại thường xuyên được nâng cấp để phù hợp với sự thay đổi của các cơ chế, chính sách thuế. “Việc cập nhật thường được thực hiện rất sát với thời hạn nộp tờ khai. Đã có khá nhiều DN chọn nhầm phiên bản cũ, không thể nộp tờ khai qua iHTKK vì không được chấp nhận mã vạch”, ông Toàn chia sẻ.

Thêm nữa, hệ thống KTQM cho nội bộ cơ quan thuế và cho DN còn hoạt động chưa ổn định, hay bị quá tải, nghẽn mạng trong một số thời điểm đặc biệt từ 18 - 20 hàng tháng (hạn nộp tờ khai thuế). Dữ liệu khai thuế có thời điểm không chuyển được vào ứng dụng quản lý thuế (QLT), cán bộ thuế vẫn phải in ra để nhập số liệu bằng tay. Các báo cáo thống kê chưa linh hoạt, chưa có file đầu ra dạng excel nên khó xử lý, tổng hợp số liệu, chưa thuận lợi khi DN muốn thực hiện KKQM đối với tất cả các chi nhánh hoặc khi DN chuyển địa bàn cơ quan thuế quản lý.

Với rất nhiều lỗi về hạ tầng ứng dụng nêu trên, trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ của cơ quan thuế cho NNT chưa đảm bảo (số lượng NNT tăng mạnh trong khi lượng cán bộ thuế lại không tăng, thậm chí còn giảm đi), không ít trường hợp DN không được hỗ trợ kỹ thuật kịp thời nên đã “bỏ cuộc”, trở lại phương thức kê khai bằng hồ sơ giấy.

DN chưa sẵn sàng

Không bị bắt buộc phải KTQM, nhiều DN chưa thấy rõ lợi ích của phương thức kê khai hiện đại này. Trình độ và hạ tầng về CNTT (thiết bị máy tính, đường truyền...) tại một số DN còn thấp nên DN vẫn lo ngại thông tin gửi qua mạng dễ bị mất mát, ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của DN.

Nhiều DN nước ngoài, DN khối ngân hàng... có chính sách an ninh thông tin hoặc phần mềm diệt virus đặc thù nên khó thực hiện cài đặt phần mềm. Một số DN sử dụng hệ thống thư điện tử bảo mật chặn mail thông báo cấp tài khoản và mật khẩu của hệ thống KTQM.

Một trong những lý do khác nữa khiến DN (nhất là DN dân doanh) chưa muốn thực hiện KTQM là chi phí mua chứng thư số còn cao. Ước tính mỗi năm DN phải chi khoảng 1.000.000 đồng cho việc mua chứng thư số, trung bình khoảng 100.000 đồng/kỳ kê khai.

Tuy nhiên, thời gian tới, khi một chữ ký số có thể được sử dụng ở nhiều loại hình dịch vụ khác nhau (ngành hải quan và các ngân hàng đã chuyển từ sử dụng chứng thư số nội bộ sang chứng thư số công cộng) thì chi phí đầu tư chứng thư số sẽ không còn bị kêu là đắt nữa.

Dẫu sao thì tính đến 31/5/2011, mới có hơn 23.000 doanh nghiệp đăng ký kê khai điện tử và hơn 18.000 DN đã thực hiện KTQM với tổng số tờ khai điện tử là 259.337 tờ. Con số này quá “khiêm tốn” nếu đem ra so sánh với tổng số khoảng 500.000 DN vừa và nhỏ và 280.000 DN siêu nhỏ trên phạm vi cả nước.

Qua công tác sơ kết triển khai KTQM, Tổng cục Thuế cho biết mới chỉ đạt 77,2% kế hoạch. Số NNT thực hiện KTQM chỉ chiếm 76% với số lượng đăng ký với cơ quan thuế, nghĩa là rất nhiều DN đã đăng ký sử dụng dịch vụ điện tử song vẫn quay lại sử dụng hồ sơ giấy.

Vì vậy, tại thời điểm hiện nay, có thể khẳng định phương thức kê khai thuế bằng hồ sơ giấy truyền thống vẫn đang chiếm “thế thượng phong” so với KTQM.

Bài viết đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 73+74