Từ sau 1970 nhờ vốn đầu tư và công nghệ nước ngoài, chính quyền Sài Gòn đã tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu khí đã được triển khai ở thềm lục địa và đã xác định 3 bể trầm tích chủ yếu: Sài Gòn - Brunây (Bể Nam Côn Sơn), Mêkông (Bể Cửu Long) và vịnh Thái Lan (Bể Malay - Thổ Chu).

Dù chiến tranh chia cắt hai miền, nhưng các kỹ sư miền Bắc vẫn nắm được thông tin các công ty phương Tây phát hiện dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam.

Cho nên ngày 30/4/1975 khi các đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, Đoàn Địa chất B, gồm những kỹ sư, công nhân do Tổng cục Địa chất cử vào khảo sát vùng giải phóng đã nhanh chóng tiếp quản Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chính quyền Sài Gòn.

Sáng ngày 2/5/1975, Phó Thủ tướng Đỗ Mười giao cho ông Lê Văn Đức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất tổ chức nhân lực vào Sài Gòn để tiếp quản nguồn tài liệu quan trọng của cơ quan này.

{keywords}
Giàn khoan Bạch Hổ.

Kỹ sư địa chất Lê Quang Trung, nguyên Phó Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, kể lại: “Tổng cục đã quyết định cử một đoàn cán bộ trong đó có ông, do ông Nguyễn Ngọc Sớm, Đoàn trưởng Đoàn Địa chất 36B, sau này là Phó Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, làm Trưởng đoàn vào Sài Gòn để tiếp quản tài liệu của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản. Đoàn chia thành hai nhóm. Nhóm do ông Sớm dẫn đầu đi theo đường bộ, nhóm còn lại sáng 5/5 vào Sài Gòn trên chuyến bay chở pháo hoa vào mừng ngày chiến thắng.

Ngày 12/5/1975, cả hai nhóm gặp nhau ở Sài Gòn được tướng Trần Văn Trà - Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn, giới thiệu đến Tiểu ban Quân quản Địa chất đang ở số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, là trụ sở của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản.

Ngày hôm sau trong trang phục quân giải phóng, đoàn đến gặp những đồng nghiệp vào trước và một số nhân viên của Tổng cuộc còn ở lại như ông Vĩnh (kỹ sư địa chất), bà Hường (đánh máy). Thật vui mừng, các kho tài liệu vẫn nguyên vẹn và còn có cả 2 phuy dầu thô do công ty Mobill lấy từ lần tìm thấy dầu ở giếng khoan Bạch Hổ-1X (lô 09).

Tiến sĩ Trần Ngọc Toản lúc đó là tiến sĩ địa vật lý của Tổng cục Địa chất, sau này là Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam ( từ năm 1993 đến 1998), kể về lần gặp gỡ với các kỹ sư Nguyễn Văn Vĩnh, Phí Lệ Sơn của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản. Hôm đó, ông vẫn mặc đồ bộ đội và không hề xưng danh mình là tiến sĩ địa vật lý, có nhiều năm thăm dò dầu khí miền Bắc. Nên ban đầu các kỹ sư miền Nam còn có vẻ nghĩ anh bộ đội không thể hiểu chuyên môn. Nhưng khi nghe ông nói thẳng các số liệu khảo sát địa chất, khoan thăm dò, thử vỉa tìm dầu của miền Nam, họ hơi ngẩn ra rồi hào hứng bàn vào chuyên ngành.

{keywords}

Tiến sĩ Trần Ngọc Toản

Kỷ niệm đặc biệt này cũng được kỹ sư Vĩnh kể lại: “Tôi quyết định không di tản ra nước ngoài vì nghĩ mình làm dân sự, có chút ít chuyên môn phục vụ đất nước sau chiến tranh. Lúc đầu gặp những cán bộ dầu khí miền Bắc trong áo bộ đội tôi cũng hơi ngỡ ngàng, nhưng sau đó trao đổi được rất nhiều chuyện, vì họ cũng có chuyên môn rất sâu về dầu khí”.

Trong những lần tiếp xúc, Tiến sĩ Toản hỏi thẳng các chuyên viên Tổng cuộc: “Dầu khí Việt Nam nên tiếp tục thế nào?”. Họ trả lời về mặt pháp lý có thể xóa bỏ hoặc giữ nguyên đạo luật dầu hỏa đã lập trước đây, nhưng giữ và sửa luật thì tốt hơn. Riêng về kỹ thuật có hai hướng: xóa bỏ tất cả hợp đồng cũ hoặc duy trì. Nhưng theo họ, giải pháp tối ưu nên sửa đổi luật và tiếp tục duy trì hoạt động của các công ty dầu khí quốc tế đã làm việc với chính quyền Sài Gòn. Kỹ sư Vĩnh, Sơn tiếp tục hợp tác hoạt động tìm kiếm dầu khí của đất nước. Họ đã cung cấp nhiều tư liệu có giá trị, chia sẻ kinh nghiệm gọi nhà thầu quốc tế mới và các yếu tố pháp lý trong đàm phán, ký kết hợp đồng.

Để khai thác, sử dụng khối tài liệu quan trọng này ngày 15/6, các cán bộ Ngô Thường San (Viện Khoa học Việt Nam), Đào Duy Chữ ( Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước), Vũ Trọng Đức (Tổng cục Hoá chất), Hồ Đắc Hoài (Tổng cục Địa chất) đã bay vào Sài Gòn, phối hợp cùng với những người vào trước tập hợp các tài liệu liên quan đến dầu khí thu nhận từ các công ty, Bộ Ngoại giao, Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa; lập báo cáo tổng hợp về cấu trúc địa chất, triển vọng dầu khí, đánh giá trữ lượng tiềm năng của thềm lục địa Nam Việt Nam.

Dựa vào tài liệu thu được, báo cáo khẳng định việc phát hiện dầu khí ở giếng Dừa-1X và dầu khí có giá trị thương mại ở giếng Bạch Hổ-1X… đã cho thấy thềm lục địa Nam Việt Nam có tiềm năng dầu khí, góp phần phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

Minh Thư