Sau phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, ĐB sáng nay nghe các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, những tháng đầu năm 2019; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Chiều nay, QH sẽ nghe các báo cáo liên quan đến quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

{keywords}
Kỳ họp thứ 7 của QH sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật

Tại kỳ họp này, dự kiến QH sẽ biểu quyết thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật khác. 7 dự luật QH dự kiến thông qua gồm: luật Giáo dục (sửa đổi); luật Kiến trúc; luật Quản lý thuế sửa đổi; luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Đầu tư công; luật Thi hành án hình sự sửa đổi; luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm và luật Sở hữu trí tuệ.

Trong 9 dự luật QH cho ý kiến lần này có 3 dự luật quan trọng liên quan đến đời sống của cán bộ, công chức, người lao động. Đó là dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức; Bộ luật Lao động sửa đổi.

Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương có một số nội dung nổi bật liên quan đến việc mở rộng thẩm quyền của Thủ tướng, bộ trưởng và các trưởng ngành cũng như chuyện phân cấp, phân quyền giữa TƯ và địa phương.

Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đưa ra nhiều quy định mới liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức. Đáng chú ý là dự thảo quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ về hưu có vi phạm, trong đó cao nhất là hình thức xóa tư cách chức vụ mà họ nắm giữ khi còn đương chức.

Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cũng đưa ra nhiều đề xuất mới liên quan đến tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, ngày nghỉ, giờ làm việc của các cơ quan nhà nước...

Cũng tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét thông qua 2 nghị quyết, gồm: Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Các ĐB sẽ thực hiện giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác, trong đó có việc giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

QH sẽ dành 2,5 ngày để chất vấn 4 nhóm vấn đề, dự kiến diễn ra vào các ngày 4 - 6/6.

ĐB dùng smartphone để nghiên cứu tài liệu

Trước đó, tại cuộc họp báo giới thiệu dự kiến chương trình kỳ họp, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc giới thiệu một doanh nghiệp đã ủng hộ, làm cho QH phần mềm phục vụ hoạt động tại kỳ họp cũng như phục vụ hoạt động nghiên cứu, làm nhiệm vụ của cá nhân mỗi đại biểu. Phần mềm hỗ trợ việc chuyển tải văn bản, tài liệu, thông báo lịch họp.

“Với phương thức này, ĐBQH vào hội trường chỉ cần mang theo một chiếc smart phone, không cần mang theo tài liệu nào khác”, ông Nguyễn nói.

Tuy nhiên, đây chỉ là bước thí điểm, cần làm cẩn trọng. Vì vậy, tại kỳ họp này, các cơ quan phục vụ vẫn chưa bỏ hẳn văn bản giấy. Đến cuối kỳ họp, các đại biểu, những người sử dụng sẽ thực hiện việc đánh giá về phần mềm này và VPQH sẽ căn cứ vào đó để hoàn thiện hơn nữa phần mềm hoạt động.

Tinh thần chung là phải tiến dần tới việc xây dựng một QH điện tử hiện đại, hiệu quả.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tăng tuổi hưu không thể chậm hơn nữa

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tăng tuổi hưu không thể chậm hơn nữa

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Việc tăng tuổi nghỉ hưu không thể chậm hơn nữa. Tôi càng ngày càng thấy sự cần thiết của việc này”.

Thu Hằng - Hương Quỳnh