Sáng 26/9 tại thủ đô Vientiane, Lào đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 32, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaket cùng các Trưởng đoàn phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội 10 nước thành viên ASEAN; Tổng Thư ký ASEAN; Timor Leste tham gia với tư cách quan sát viên.
Đoàn đại biểu Việt Nam do ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dẫn đầu đoàn tham dự.
Với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường,” trong gần một năm, Cộng đồng ASEAN và mỗi quốc gia thành viên ASEAN đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động, trong đó Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN tiếp tục chứng tỏ được vai trò gắn kết người dân và nỗ lực mang lại lợi ích thiết thực cho người dân các nước ASEAN.
Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe những báo cáo cập nhật về các lĩnh vực ưu tiên của ASCC trong năm 2024 và các mục tiêu đạt được trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2024 do Lào làm Chủ tịch; đồng thời đã nêu ra những điểm nổi bật của nhiều vấn đề khác và sẽ xem xét, thông qua dự thảo báo cáo của Hội nghị Hội đồng ASCC lần thứ 32 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, sống đùm bọc và chia sẻ, hướng tới người dân, chăm lo cho thể chất, phúc lợi, môi trường sống ngày càng tốt hơn của người dân, và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực.
Ý tưởng về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN nói riêng trong tổng thể Cộng đồng ASEAN nói chung được khởi nguồn từ văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2020, thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ 2, tháng 12/2007. Tầm nhìn 2020 hình dung về một cộng đồng ASEAN với nhận thức rõ về các mối quan hệ lịch sử, di sản văn hoá, gắn bó với nhau bởi bản sắc khu vực chung; gắn kết về xã hội và đùm bọc lẫn nhau, trong đó nghèo đói, suy dinh dưỡng không còn là vấn đề lớn; gia đình, đơn vị cơ bản của xã hội, quan tâm chăm sóc các thành viên của mình, đặc biệt là trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người già; những người yếu thế, người khuyết tật được quan tâm đặc biệt; công bằng xã hội được đề cao; một Đông Nam Á không có ma tuý; có khả năng cạnh tranh cao về công nghệ; một ASEAN xanh và sạch; một khu vực Đông Nam Á có khả năng ứng phó tốt hơn với các vấn đề mang tính khu vực như suy thoái và ô nhiễm môi trường, buôn bán ma túy, phụ nữ, trẻ em và các loại tội phạm xuyên quốc gia khác; một cộng đồng có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân, nơi phẩm giá và phúc lợi của con người được đề cao, vì lợi ích chung của cộng đồng v.v.