- Có những trường tổ chức một buổi lễ dài 2 tiếng, có trường dành hẳn 2 tuần hoạt động trước năm học mới..., nhưng điểm chung của ngày khai giảng ở khắp nơi trên thế giới đều là không có những bài phát biểu dài dòng, mà chỉ có những hoạt động tạo niềm vui, sự khích lệ cho mỗi học sinh.
Chị Đinh Quỳnh Nga là một bà mẹ Việt hiện đang sống ở Mỹ, có con gái đang học tiểu học ở trường Riverhill School, Florence, Alabama. Năm nay, con gái chị bắt đầu nhập học vào ngày 10/8.
“Trước ngày đầu tiên đi học, phụ huynh có nhận được thông báo đến trường để cả học sinh và phụ huynh có dịp làm quen với thầy cô, bạn bè, trường lớp. Buổi này gọi là Orientation (buổi định hướng). Buổi gặp gỡ này cũng là dịp để phụ huynh biết hết các cô giáo sẽ dạy con mình trong cả năm học.
Trong buổi gặp gỡ, học sinh sẽ được biết chỗ mình sẽ ngồi, sách vở mình sẽ học, biết chỗ nào để đọc sách, chỗ nào để học nhóm,...”
Lớp học của con gái chị Quỳnh Nga trước khi bước vào năm học mới |
Chị Nga cho biết, học sinh bên này thường không bắt đầu ngày khai giảng vào đầu tuần, mà thường là thứ 4 hoặc thứ 5 để các em quen lại dần nhanh hơn sau kỳ nghỉ hè.
Tùy từng trường mà quy định về chào cờ và hát quốc ca có khác nhau. Như trường Riverhill của con gái chị thì thứ 6 là ngày chào cờ. Đúng 8h05, tất cả các em phải có mặt ở trường và đến 8h15, cả trường sẽ tập trung để làm nghi lễ chào cờ và hát quốc ca.
“Thứ 6 của tuần đầu tiên sẽ có thêm chút đặc biệt hơn so với các thứ 6 khác, vì sau khi hát quốc ca xong, cô hiệu trưởng sẽ đọc tên và gửi lời chúc mừng sinh nhật đến tất cả các thầy cô giáo và học sinh có ngày sinh nhật trong tháng đó”.
Mọi đồ dùng học tập đã được chuẩn bị sẵn sàng |
Việc chuẩn bị đồ dùng học tập, sách vở ở các trường bên Mỹ cũng tùy theo từng trường. Mỗi trường lại có chương trình học khác nhau, ví dụ như sách học toán của học sinh lớp 2 trường này sẽ khác sách toán của học sinh lớp 2 trường khác, chứ không phải là cứ học lớp 2 là sách giáo khoa sẽ đồng bộ, giống nhau.
“Thường đối với các trường công (miễn học phí từ lớp 1-12) thì trước khi vào học chừng 1 tháng, nhà trường sẽ gửi về nhà danh sách dụng cụ học tập học sinh cần có. Sách giáo khoa thì nhà trường mua đồng bộ tất cả cho học sinh. Trường Riverhill là trường tư nên họ yêu cầu đóng lệ phí đồ dùng, sách vở học sinh và trường mua hết cho các em. Đến ngày nhập trường là chỉ mua cặp sách đến trường thôi” – chị Nga chia sẻ.
Góc đọc sách dành cho học sinh |
Ngô Xuân Khôi – tân học sinh Trường Thế giới Liên kết UWC, một trường phổ thông quốc tế có cơ sở ở 17 quốc gia trên khắp thế giới – vừa bước vào những ngày đầu tiên của năm học mới.
Khôi chia sẻ, ở cơ sở Costa Rica, trường không có một ngày khai giảng cụ thể, mà có 2 tuần để làm quen trước khi các lớp học bắt đầu. Trong 2 tuần này có rất nhiều hoạt động được tổ chức bởi nhà trường hoặc học sinh năm 2 và cũng là dịp để học sinh năm nhất làm quen với môi trường mới.
“Các hoạt động đôi khí có thể rất sôi động như học tiếng Tây Ban Nha, chơi thể thao, thi đấu giữa các nhà…, đôi khi lại lắng đọng như đêm thắp nến chia sẻ (mọi người bước vào giữa vòng tròn nến, nói những điều mình nghĩ mà không sợ phán xét)”.
Khôi cho biết em rất thích các hoạt động khai giảng này, vì nó không mang tính hình thức. Các hoạt động đều là tham gia tự nguyện, nên nếu hình thức thì cũng chẳng có học sinh nào xem và quan tâm. Mục đích duy nhất của “tuần lễ khai giảng” là tập trung vào việc giúp đỡ học sinh và giáo viên trước thềm năm học mới – nam sinh sinh năm 1999 cho biết.
Giống như UWC, Trường Quốc tế Eastern Mediterranean mà Hà Khánh Linh theo học ở Israel cũng có một lễ khai giảng rất ngắn gọn và thân mật. “Trường của em không có tập luyện cho lễ khai giảng với việc học sinh phải đứng nhiều giờ dưới nắng, tập cách đi đứng, vẫy cờ và đội hình đội ngũ. Bọn em cũng không thực sự có một lễ khai giảng như ở Việt Nam. Mà thay vào đó là một buổi assembly (tụ họp/ gặp mặt) trong vòng khoảng 2 tiếng ở một hội trường nhỏ đầu năm học”.
Đặc thù là một trường nhỏ chỉ với 3 khóa, 150 học sinh nên không khí lễ khai giảng vô cùng đơn giản, ấm cúng và thân mật.
“Điểm giống nhau của buổi lễ này so với lễ khai giảng ở Việt Nam đó là cũng có những bài phát biểu của nhà sáng lập và hiệu trưởng. Điểm khác biệt là bài phát biểu không hề dài dòng và khiến cho học sinh nhàm chán mà ngược lại, ngắn gọn, súc tích, thân mật và diễn ra trong không khí vô cùng sôi nổi với sự hào hứng lắng nghe từ học sinh”.
Linh kể, em còn nhớ trong buổi lễ năm đầu tiên của em ở trường, tất cả các học sinh khóa trên đã biểu diễn bài hát: “Be Okay” (Sẽ ổn thôi) như một lời chào mừng và lời nhắn nhủ gửi đến khóa dưới. “Đó là một trong những kỷ niệm đầu khó quên với em và cũng là một thông điệp em luôn mang theo bên mình vì mọi chuyện “sẽ ổn thôi!””.
Clip: Học sinh Trường Quốc tế Eastern Mediterranean (Israel) hát bài "Be Okay" tặng các em khóa mới trong lễ khai giảng.
Đã từng có nhiều năm học tập ở Việt Nam, Linh cho rằng dù một năm học mới có khai giảng hay không, hay khai giảng ở đâu, trong tiết trời cuối hè đầu thu ở Việt Nam hay trong cái nắng nóng oi bức của Trung Đông thì không khí của những ngày đầu năm học khi còn là học sinh luôn mang lại cho em cảm giác háo hức khó tả. “Em cảm thấy trân trọng và biết ơn mọi thứ hơn bao giờ hết vì bản thân may mắn được đi học, được trải qua những cảm xúc như vậy”.
- Nguyễn Thảo