Mới đây, trang tin tức MilanoToday của Ý đưa tin, một nam du khách người Việt đã bị cướp đồng hồ trị giá tới 50.000 euro (hơn 1,2 tỷ đồng) khi đang đi qua Silvio Pellico, cách quảng trường Piazza del Duomo một đoạn ngắn. Thông tin này khiến du khách Việt Nam, đặc biệt là những người đang có dự định tới các quốc gia châu Âu, trong đó có Ý quan tâm.

Trong một hội nhóm du lịch châu Âu có tiếng, nhiều du khách Việt cho biết, bản thân họ từng bị dàn cảnh trộm cắp, thậm chí đe dọa cướp đồ trong các chuyến tới Pháp, Ý du lịch. Đây trở thành trải nghiệm đáng quên, thậm chí ám ảnh với nhiều người.

Chị H.T - một du khách từng có 5 chuyến tới châu Âu du lịch cho biết: "Chính mắt tôi từng nhìn thấy ba người đàn ông da trắng cao to dàn cảnh, ép một khách du lịch châu Á vào đường vắng tại Paris, sau đó lục túi, cướp đi một số đồ. Nghĩ lại cảnh đó, tôi vẫn ám ảnh. Sự việc xảy ra quá nhanh, tôi thậm chí đứng bất động, không dám la hét". Chị chia sẻ thêm: "Tôi đã tự trách mình về sự hèn nhát đó. Chỉ đến khi chúng rời đi, tôi mới dám tới trấn an vị khách". Câu chuyện xảy ra cách đây 6 năm nhưng chị T. vẫn nhớ rõ mồn một.

"Sau lần đó, dù sang châu Âu công tác hay du lịch, tôi đều cảnh giác cao độ, ít khi dám đi riêng lẻ", chị nói.

Nhiều du khách Việt từng bị trộm cướp đồ tại Pháp, Ý (Ảnh: Lukas Nguyễn)

Chị H.T (42 tuổi) làm trưởng phòng nhân sự tại một công ty đa quốc gia tại Quảng Ninh. Với đặc thù công việc, từ năm 2015, chị thường xuyên có những chuyến công tác quốc tế tới Hàn Quốc, Nhật Bản và một vài lần tới Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Chị chứng kiến hành vi cướp đồ tại Paris trong một chuyến công tác Pháp vào năm 2016.

Năm 2019, tranh thủ kì nghỉ phép dài ngày, chị H.T đặt một tour du lịch cao cấp 21 ngày tới Pháp, Ý và Thụy Sĩ. "Chồng và các con đều bận nên tôi đi một mình. Để đảm bảo an toàn và có những trải nghiệm du lịch tốt nhất, tôi lựa chọn tour của một đơn vị uy tín với chi phí khá cao. Thực sự tôi vẫn ám ảnh sự việc năm 2016 và không yên tâm đi du lịch một mình", chị cho biết. Đoàn của chị T. gồm 16 vị khách. Họ hầu hết là những người có điều kiện khá tốt. 

Theo trí nhớ của chị T., trong đoàn lúc đó chỉ có khoảng 7 người từng tới châu Âu, gồm cả chị. Vài người trong số đó sau khi đến Paris thì tách đoàn để đi làm việc. "Khi HDV chưa giới thiệu thì tôi cũng đã đoán ra ai là người từng đến châu Âu. Những người tới làm việc hay đã đi châu Âu nhiều lần, họ thường mang lượng hành lý ít hơn. Những vị khách lần đầu tới thì sự háo hức thể hiện rất rõ và họ mang theo rất nhiều đồ. Có người cầm tới 3 vali cỡ lớn", chị nói.

Một tuần đầu tiên, đoàn chị T. ở tại Pháp. Đoàn có 3 ngày khám phá Paris. "Tôi từng đến Paris 2 lần nên mấy ngày này tôi chủ yếu ở khách sạn nghỉ hay uống cà phê gần đó thay vì đi thăm thú cùng đoàn", chị nói. Trong bữa tối ngày thứ ba tại Paris, cả đoàn dùng tiệc ở một nhà hàng sang trọng, cách khách sạn khoảng 7 phút đi bộ. HDV hẹn đoàn tập trung tại sảnh khách sạn vào lúc 19h. Chị T. xuống trước 5 phút. Thế nhưng phải tới gần 30 phút sau, một nhóm khách 5 thành viên mới có mặt. Họ mặc trang phục rất lộng lẫy, sang trọng, cầm theo túi xách của các thương hiệu nổi tiếng, đeo trang sức. Trái ngược với họ, chị T. chọn một đồ khá đơn giản: áo sơ mi, chân váy. Trong chiếc túi xách Channel nhỏ (giá trị không quá lớn), chị chỉ để chiếc điện thoại và chút tiền lẻ. Nhìn chị khá "lạc quẻ" so với các thành viên nữ trong đoàn.

"Trên đường di chuyển tới nhà hàng, tôi vô tình nghe được nhóm khách nữ bàn tán với nhau: "Sao nhìn bà kia ăn mặc phèn thế, nhà quê". Một người khác nói: "Ăn mặc nhìn kém sang". Tôi lặng lẽ xem như không nghe thấy, quay sang trò chuyện với HDV. Lúc ấy, thực sự tôi nghĩ: "Họ thật ngây thơ"", chị T. nhớ lại.

Sau khoảng 2 tiếng ăn tối, HDV ngỏ ý mời du khách về khách sạn nghỉ ngơi sớm để chuẩn bị cho lịch trình "dài hơi" vào ngày hôm sau. Nhóm nữ du khách cho biết, họ sẽ đi bộ về sau, tranh thủ check-in với một số góc đẹp xung quanh nhà hàng. "Bạn HDV là người kinh nghiệm và rất nhiệt tình. Bạn ấy nói sẽ đưa đoàn về trước và xin phép quay lại đón nhóm khách nữ. Bạn không quên nhắn nhủ nhóm chỉ nên check-in xung quanh khuôn viên nhà hàng. Khi bạn ấy trở lại sẽ hỗ trợ chụp ảnh", chị T. kể.

Đến khoảng 12h đêm, chị T. thấy trong nhóm chat chung của đoàn, HDV thông báo, hai trong số năm nữ du khách trở về sau đã bị móc túi. Một người bị mất điện thoại và 500USD (lúc ấy khoảng 12 triệu đồng) tiền mặt. Người còn lại mất một máy ảnh cá nhân nhỏ, đời mới. Thật may, họ không mang theo giấy tờ quan trọng. 

"Tôi thấy họ khá ngỡ ngàng, hoảng loạn. Họ bị bất ngờ", chị T. nói. "Ngay từ ngày bắt đầu tour, HDV đã nhắc nhở du khách nên cẩn trọng. Nhưng có thể, với tâm lý của nhiều khách Việt, lần đầu tới Pháp, họ dễ bị choáng ngợp bởi sự lộng lẫy mà quên đi những lời cảnh báo. Tôi thực lòng rất tiếc cho họ", chị T. chia sẻ thêm. 

Bản thân chị T. trong suốt chuyến đi thường chọn trang phục khá đơn giản với áo phông, quần jean. Chị mang theo chiếc túi đựng các đồ dùng cơ bản nhưng giá trị không cao. Chị đeo điện thoại trước ngực để dễ quan sát. "Điện thoại rất quan trọng. Đó không chỉ là công cụ liên lạc mà còn giúp tôi thanh toán, làm việc... nên tôi không muốn để mất", chị nói.

"Duy chỉ có 5 ngày ở Thụy Sĩ, tôi cho phép bản thân "thả lỏng", ít cảnh giác hơn. Tôi diện những bộ váy đẹp hơn để chụp ảnh, đeo trang sức, phụ kiện đã chuẩn bị", chị T. cho biết thêm.

Ảnh: Lukas Nguyễn

Sinh sống và làm việc 6 năm tại Pháp, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Anh (Nguyễn Anh Lukas) từng chia sẻ những lưu ý để du khách tránh bị cướp giật, trộm đồ khi du lịch Paris hay các quốc gia châu Âu khác. Theo anh Lukas, khách du lịch đến Pháp rất dễ nhận dạng, vì họ thường ăn mặc đẹp, sặc sỡ, mang nhiều đồ hiệu và tâm lý ít đề phòng trộm cắp. Bên cạnh đó, trông họ thường "lơ ngơ". Những biểu hiện này sẽ nhanh chóng bị kẻ gian để ý ngay từ sân bay. Chúng sẽ tìm cách phân tán sự chú ý và lấy mất balo, túi xách của bạn ngay trên xe đẩy.

Theo anh, du khách nên đeo balo đằng trước, hai tay ôm chặt. Bạn có thể đeo túi chéo và để túi ở phía trước. "Không để điện thoại và giấy tờ trong túi hai bên áo khoác, vì chỉ cần một một giây thôi là bạn sẽ không tìm thấy chúng nữa", Lukas nói. Ngoài ra, khi đi vào ban đêm bạn cần phải quan sát, chú ý và nghe ngóng trước sau đề phòng nguy hiểm. Nếu phát hiện tiếng bước chân đi theo sau ở nơi vắng vẻ, tốt nhất bạn nên chạy thật nhanh.

H.T

Linh Trang (ghi)

'Cây cô đơn' Hồ Tây nghi bị chặt hạ trong đêm, giới trẻ thẫn thờ tiếc nuối'Cây cô đơn' ở Hồ Tây – một trong những 'biểu tượng' check-in nổi tiếng của giới trẻ ở Hà Nội bị đổ rạp một phần thân, nghi ngờ do bị chặt hạ đang khiến cộng đồng mạng bức xúc.