CTCP Bảo hiểm Agribank - ABIC (ABI) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với lợi nhuận trước thuế tăng gần gấp đôi cùng kỳ lên 106 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, Bảo hiểm Agribank đạt 977 tỷ đồng doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm. Chi phí kinh doanh bảo hiểm đạt 615 tỷ đồng, giảm nhẹ 3%.

Tính trong 6 tháng, ABIC ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 155 tỷ đồng, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. ABIC là đơn vị tập trung cung cấp dịch vụ bảo vệ các khoản khách hàng vay tiền của Agribank, thay vì cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống được các ông lớn như Bảo Việt (BVH), PVI, Bảo Minh (BMI) thống trị như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hỏa hoạn, bảo hiểm sức khỏe…

Tương tự, Bảo hiểm VietinBank (VBI) cũng duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, VBI có doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.803 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 195 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ.

Với Tập đoàn Bảo Việt (cả nhân thọ và phi nhân thọ), doanh nghiệp này ước lãi trước thuế 866 tỷ trong nửa đầu năm 2023, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

ABIC và VBI báo lãi đậm trong bối cảnh ngành bảo hiểm đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt mảng bảo hiểm nhân thọ do khách hàng quay xe hủy hợp đồng bảo hiểm mua qua kênh ngân hàng (bancassurance) chỉ sau 1 năm tham gia.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng. (Ảnh: BH)

Theo kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm của Bộ Tài chính, tỷ lệ rất cao khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mua qua kênh ngân hàng sau 1 năm tham gia. Tỷ lệ hủy tại một số đơn vị lên tới 40-70%.

Thực tế, bảo hiểm là một kênh rất có tiềm năng với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, theo Bộ Tài chính. Bảo hiểm cũng đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho cả triệu lao động. Đồng thời, hàng năm bảo hiểm chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng tiền bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro, góp phần ổn định ngân sách Nhà nước.

Gần đây, ngành bảo hiểm nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, chăm sóc, bồi thường quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng... nhất là trong những vụ việc tranh chấp liên quan đến bảo hiểm nhân thọ.

Việc tư vấn không rõ ràng, có dấu hiệu lừa dối, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm… khiến niềm tin đối với dịch vụ này sụt giảm. Có trường hợp công ty bảo hiểm thông qua kênh ngân hàng có hành vi lừa dối khách hàng gửi tiền tiết kiệm ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Công ty bắt khách hàng cam kết không được thông tin việc thanh toán và phải bảo đảm giữ bí mật.

Một số doanh nghiệp kêu khó khi vay vốn do bị ngân hàng yêu cầu mua bảo hiểm mới được ưu đãi, giảm lãi suất cho vay hoặc giải ngân sớm.

Khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận tăng trưởng âm, đặc biệt mảng nhân thọ. Mảng bảo hiểm phi nhân thọ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Mặc dù vậy, triển vọng cho ngành bảo hiểm nói chung được đánh giá vẫn tươi sáng. Doanh nghiệp có nhiều dư địa để phát triển trong bối cảnh thị trường Việt Nam có dân số đông, thu nhập đầu người tăng trưởng nhanh và người dân có nhu cầu về an toàn tăng cao.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm phát triển thị trường ngách, sản phẩm mới, thay vì cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống.

Tiền mặt dồi dào cũng là lợi thế của các doanh nghiệp bảo hiểm khi lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức cao. Trong những tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi vào ngân hàng có lúc lên tới 10-12%/năm. 

Năm 2022, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ghi nhận lãi đột biến với doanh thu tỷ USD.

Theo báo cáo tài chính, trong năm 2022, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất. Lãi sau thuế năm 2022 tăng gấp 7,7 lần so với năm trước đó lên 3.637 tỷ đồng.

Dai-ichi Life Việt Nam đứng thứ 2 về lợi nhuận sau thuế nhưng lại giảm so với năm trước đó. Cụ thể, trong năm 2022, Dai-ichi Life Việt Nam ghi nhận lãi giảm 5,1% xuống còn 2.646 tỷ đồng.

Manulife Việt Nam gây bất ngờ với cú lội ngược dòng ngoạn mục, lãi 2.562 tỷ đồng, trái ngược với khoản lỗ 4.741 tỷ đồng trong năm 2021. Bảo hiểm AIA ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1.110 tỷ đồng, tăng 24,6% so với năm  trước đó.

Bảo Việt Nhân thọ ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 11,4% lên 975 tỷ đồng trong năm 2022.

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Việc hợp tác với các ngân hàng để phân phối bảo hiểm đã giúp doanh thu tăng mạnh, nhanh chóng vượt lên trên ngưỡng tỷ USD mỗi đơn vị.

Prudential là đối tác phân phối độc quyền bảo hiểm thông qua những ngân hàng như MSB, SeABank, VIB. Dai-ichi Life hợp tác với SHB, Sacombank. Trong khi đó, Manulife bán bảo hiểm qua Techcombank, VietinBank. Còn AIA bắt tay với VPBank.