Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ngày 10/3 vừa ra thông báo về việc cho phép doanh nghiệp du lịch Trung Quốc thí điểm khôi phục hoạt động tổ chức tour du lịch theo đoàn cho công dân đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thông báo nêu rõ, bắt đầu từ ngày 15/3, các công ty lữ hành và công ty du lịch trực tuyến sẽ được nối lại trên cơ sở thí điểm để điều hành các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài và kinh doanh "vé máy bay + khách sạn" cho công dân Trung Quốc đến các quốc gia có liên quan.

Khách Trung Quốc trở lại Việt Nam "như cơn mưa sau hạn hán"

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết, việc Trung Quốc mở tour khách đoàn đến Việt Nam từ 15/3 là tín hiệu tích cực cho sự phát triển và phục hồi của ngành du lịch nước ta, giúp ngành du lịch tự tin đạt được con số 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, các doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng "rất phấn khích" trước thông tin Trung Quốc sẽ tổ chức tour tới Việt Nam từ 15/3.

Ông Dũng cho biết, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn thứ hai đến với Đà Nẵng. Bởi vậy, các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố đã chủ động và liên tục đón khách từ thị trường này từ giai đoạn trước dịch cho đến nay. 

"Hiện ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đã sẵn sàng cả về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để đón khách Trung Quốc trở lại, từ các điểm du lịch cho đến khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên,…”, ông Dũng nói.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, năm 2019, Đà Nẵng đón 900.000 lượt khách Trung Quốc, năm nay dự kiến đón 200.000 - 300.000 khách. Với số lượng này, thành phố hoàn toàn đủ sức và đáp ứng tốt nhất để đón khách Trung Quốc quay trở lại.

Đoàn khách Trung Quốc tới Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua (Ảnh: Minh Anh)

Tương tự như Đà Nẵng, Quảng Ninh cũng là địa phương từng đón lượng khách du lịch Trung Quốc rất lớn. Sau Covid-19, sự vắng mặt của thị trường khách này đã khiến nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc "cầm cự lay lắt qua ngày".

"Chúng tôi đã sẵn sàng chào đón khách Trung Quốc trở lại. Quảng Ninh luôn tự tin có đầy đủ cơ sở vật chất và những sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút du khách", ông Nguyễn Hà Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh khẳng định.

Năm 2023, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón và phục vụ trên 22 triệu lượt khách, trong đó có trên 3 triệu lượt khách quốc tế. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - Trần Trung Hiếu, dù thị trường khách quốc tế tới Hà Nội rất đa dạng, không phụ thuộc nhiều vào thị trường khách Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin Trung Quốc mở tour khách đoàn tới Việt Nam vẫn mang tới tín hiệu tích cực. Các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách Trung Quốc. 

Ông Hiếu đánh giá, với ngành du lịch của nhiều tỉnh, thành trên cả nước, sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc như "cơn mưa sau hạn hán".

Hết thời tour giá rẻ, doanh nghiệp tung sản phẩm chất lượng

Theo đánh giá của ông Hoàng Nhân Chính, sau dịch Covid-19, khách du lịch có sự thay đổi về thị hiếu, suy nghĩ, hành vi, cách đi du lịch. Do đó, các đơn vị cần khảo sát, nghiên cứu để tung ra thị trường sản phẩm tour phù hợp, chất lượng.

Trong đó, theo ông Chính, thay vì chạy theo hình thức đưa ra "tour 0 đồng", giá rẻ rồi thu lợi từ mua bán hàng hóa, hiện nay, doanh nghiệp cần đưa ra các dịch vụ cao cấp hơn, nâng mức chi tiêu của khách Trung Quốc, khiến họ "vui lòng rút hầu bao nhiều hơn".

"Các cơ quan du lịch Việt Nam và các cơ quan quản lý địa phương cần phải khuyến cáo các công ty lữ hành không nên chạy đua tour giá rẻ, ngăn chặn tour 0 đồng. Nên tập trung vào phát triển chất lượng điểm đến, đưa ra các dịch vụ với giá phù hợp. Chúng ta cần đặt mục tiêu khai thác tốt hơn các giá trị từ khách du lịch Trung Quốc và giữ chân được họ", Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước đã lên kế hoạch cho những tour đón khách Trung Quốc mới mẻ, có tính độc đáo.

Công ty Wondertour tập trung khảo sát và kết nối để thực hiện các tour du lịch chăm sóc sức khỏe, tour thể thao... bên cạnh việc duy trì những tour tham quan điểm đến mà du khách Trung Quốc yêu thích trước đây.

Để chuẩn bị đón dòng khách Trung Quốc quay trở lại, Sun Group đã đầu tư nâng cấp các điểm đến, bổ sung các show diễn, các công trình biểu tượng mới, gia tăng trải nghiệm về F&B và mua sắm…

"Chúng tôi cũng chủ động xây dựng các combo kết hợp hệ sinh thái 2S (vui chơi giải trí và du lịch nghỉ dưỡng) của tập đoàn tại các điểm đến đặc biệt hấp dẫn với du khách Trung Quốc như Phú Quốc và Đà Nẵng, Hạ Long, để chủ động chiếm lĩnh thị trường có chi tiêu tốt từ Trung Quốc.

Cùng với đó, Sun Group cũng tiến hành nhiều giải pháp tiếp xúc, quảng bá trực tiếp tới thị trường tỷ dân này. Cụ thể, mới đây, chúng tôi đã phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức 2 roadshow tại Thượng Hải và Quảng Châu, để xúc tiến quảng bá kịp thời và nhanh nhất tới du khách có nhu cầu. Sau khi tham gia roadshow giới thiệu điểm đến, dịch vụ, sản phẩm du lịch Việt Nam tới Quảng Châu, Thượng Hải (Trung Quốc)… từ ngày 2-7/3 vừa qua, chúng tôi nhận thấy phía bạn đang vô cùng hào hứng, quan tâm đến các điểm đến Việt Nam", bà Trần Nguyện, Phó TGĐ Tập đoàn Sun World cho biết.

Sun Group tiến hành nhiều giải pháp tiếp xúc, quảng bá trực tiếp tới thị trường Trung Quốc

Nhu cầu ẩm thực của khách Trung Quốc khá cao. Do đó, thời điểm này, một số công ty lữ hành cũng đang tập trung rà soát lại các nhà hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc. Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ đại dịch, nhiều nhà hàng đã đóng cửa hoặc chỉ hoạt động "lay lắt, cầm cự".

Để phục vụ khách đoàn Trung Quốc, đơn vị lữ hành phải liên kết với các nhà hàng có quy mô đủ lớn, đáp ứng các đoàn khách từ 15-30 khách. Thực đơn cũng phải đảm bảo phù hợp khẩu vị thực khách.

"Chúng tôi đang thận trọng từng bước để tung ra các sản phẩm phù hợp, mang tới dịch vụ du lịch "chất lượng hơn số lượng" tới du khách", ông Hoàng Tuân, CEO THD Travel nhận định.