Tối 16/12, UBND tỉnh Bình Định tổ chức khai mạc Liên hoan văn hoá cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II – 2023 với chủ đề “Âm vang nhịp điệu núi rừng”, thu hút trên 250 nghệ nhân, diễn viên cồng chiêng của 7 đoàn cồng chiêng đến từ các địa phương trong tỉnh.
Sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đây cũng là dịp để các diễn viên, nghệ nhân cồng chiêng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc phục hồi, truyền dạy và phát huy nghệ thuật cồng chiêng đặc sắc của các dân tộc.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, cồng chiêng là nhạc cụ, phương tiện diễn tấu dân gian quan trọng mang nhiều giá trị văn hóa, gắn bó mật thiết trong đời sống sinh hoạt tinh thần.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030".
Việc đầu tư kinh phí mua sắm trang bị cồng chiêng cho các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã tạo điều kiện cho đồng bào được hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội, tết truyền thống, sinh hoạt cộng đồng tại địa phương.
Qua đó tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Tại Liên hoan văn hoá cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II – 2023, người dân sẽ được thưởng thức những tiết mục biểu diễn đặc sắc với những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc Chăm, Bana, H’rê thông qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các diễn viên, nghệ nhân.
“Tôi mong rằng các đơn vị tiếp tục phát huy những tiết mục, nội dung trình diễn tại Liên hoan lần này để đưa về địa phương phục vụ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tiếp tục nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, đội cồng chiêng tiêu biểu, nòng cốt ở các địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc”, ông Tuấn nói.
Bình Định là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em trong khu vực. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh Bình Định hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống trong đó chủ yếu là dân tộc Chăm, Bana, H’rê với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và thượng võ của văn hóa Bình Định. Những bản sắc văn hoá riêng đó đã trở thành nếp sống, các chuẩn giá trị được đồng bào giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của văn hoá Bình Định. |
Diễm Phúc