Đó là buổi tối cuối năm 2018, Sùng Mí Phìn có cuộc nói chuyện với người cha trước khi rời thị trấn cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang để tìm đường đi mới cho bản thân.

Khi nghe anh nói sẽ từ bỏ công việc giáo viên ổn định để đi học tiếng Anh về làm du lịch, cha anh phản đối kịch liệt. “Con muốn đi theo con đường con chọn…”, câu nói của anh chưa kịp dứt, cha anh ném cái cốc, vỡ toang. Một cuộc tranh cãi dữ dội khiến mẹ anh phải từ trong nhà lao ra can ngăn.

{keywords}
Sùng Mí Phìn bên ngôi nhà của mình ở xã Sà Phìn, Đồng Văn

Sáng sớm hôm sau, khi những dải núi đá còn chìm trong sương, mẹ của Sùng Mí Phìn lục đục dậy nấu nồi cám lợn, chàng trai sinh năm 1992 khoác chiếc balo bước ra cửa. Mẹ anh lập cập chạy theo, gọi: “Cầm ít tiền, không lấy gì mà ăn?”.

Mặc cho mẹ đuổi theo, anh đi nhanh ra phía cửa. Chàng trai người H’Mông lên đường tìm cách khởi nghiệp với 500 nghìn đồng trong túi…

Thầy giáo mơ ước làm du lịch

“Sinh ra, lớn lên trong cái nghèo. Tôi nhìn xung quanh, đâu cũng chỉ có đá và đá”, Sùng Mí Phìn nói về tuổi thơ của mình. Cha của anh là một cán bộ xã, em gái anh cũng là giáo viên vì vậy cả gia đình đều mong anh - sẽ có công việc ổn định.

Sùng Mí phìn theo học một trường cao đẳng sư phạm tại Hà Nội vào năm 2015. Năm 2018 ra trường, anh theo nghiệp gõ đầu trẻ ở một điểm trường quê nhà.

{keywords}
Anh chàng (cầm khèn) bên một nhóm khách nước ngoài.

Đi làm 2 tháng, Sùng Mí Phìn cảm thấy cuộc sống gò bó, nhàm chán.  Anh nhận thấy mình yêu thích các hoạt động du lịch bởi những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Hà Giang rất đông.

Sùng Mí Phìn khao khát dựng một homestay theo ý mình nhưng anh hiểu, không có Tiếng Anh thì không thể làm nên chuyện.

Cuối 2018, Sùng Mí Phìn quyết định đến SaPa - nơi rất nhiều người H’Mông thành thạo tiếng Anh, để học ngoại ngữ. Biết bố mẹ sẽ phản đối nên đêm trước ngày lên đường, anh mới thông báo. Trong sự giận dữ của gia đình, chàng trai H’Mông vẫn ra đi.

8h tối, anh có mặt ở thị trấn SaPa. Với 500 nghìn trong tay, anh ăn 1 bát phở sau ngày dài nhịn đói. Tối đó, Sùng Mí Phìn tìm nhà nghỉ để ngủ với giá 150 nghìn/đêm. Số tiền còn lại không nhiều, anh phải nhanh chóng tìm lớp học.

Qua Youtube, anh biết đến một trung tâm đào tạo tiếng Anh cho người H’Mông có đam mê làm du lịch ở SaPa. Anh liên hệ và may mắn sau khi nghe câu chuyện của anh, người chủ trung tâm đã miễn phí cho anh toàn bộ khóa học.

Khi Sùng Mí Phìn vào lớp mới biết những người ở đây đã học tiếng Anh được 1 năm.

“Buổi đầu tiên, cô giáo gọi Phìn lên giới thiệu tên tuổi bằng tiếng Anh. Phìn chẳng biết gì, nói vụng về, cả lớp cười nghiêng ngả. Mình từng là giáo viên, cũng lên lớp mà giờ có mỗi tên, tuổi cũng không nói được, Phìn vô cùng tự ái. Buổi thứ 2 cũng không khá hơn là bao”. Anh gặp người quản lý xin nghỉ, định về Hà Giang luôn trong đêm.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Khách du lịch sẽ được lên nương, vào núi lấy nước, ăn cơm, sinh hoạt như một người bản địa

Nhưng buổi nói chuyện với người quản lý đã thay đổi quyết định của Sùng Mí Phìn. Chị nói: “Ở Hà Giang, du lịch phát triển nhanh quá, người dân bản địa không thích ứng được. Muốn làm du lịch chuyên nghiệp mình phải học từ bây giờ. Em là người trẻ, em phải học để đánh thức tư duy cho cả cộng đồng.

Em về quê cũng có thể có công việc nhưng em chỉ như thế thôi. Nếu em ở lại học, em còn có thể giúp được người khác. Điều này quan trọng hơn nhiều”.

Sùng Mí Phìn từ bỏ hẳn ý định nghỉ giữa chừng. Vừa học, anh vừa xin đi làm các công việc như bồi bàn, dọn phòng, lễ tân… để có thêm chi phí và hiểu biết về du lịch. Năm 2019, Sùng Mí Phìn tạm biệt SaPa về với cao nguyên đá, bắt tay làm du lịch theo cách anh mong muốn.

Homestay ‘lạ’ trên cao nguyên

“Thay vì những căn phòng lịch sự, hiện đại theo thiết kế Hàn Quốc, tôi muốn đưa yếu tố bản địa, văn hóa địa phương vào homestay của mình ở xã Sà Phìn, Đồng Văn”.

Khi nghe từ “homestay”, cha mẹ anh ngơ ngác. Anh xin cha mẹ gian bếp để làm nhưng mẹ anh lắc đầu. Bà nói: “Bếp phải để đựng ngô”. Anh xây một cái bếp phía ngoài để “bù” cho bà.

Căn bếp cũ của gia đình giúp Sùng Mí Phìn đặt được 4 giường cho khách. Anh đăng ký homestay của mình lên mạng. Thời gian này, chưa có khách nên anh phải đi dẫn tour ở ngoài để kiếm thêm thu nhập.

{keywords}
Sùng Mí Phìn và Tẩn Thị Su, người sáng lập Dự án SaPa O'Châu. Tẩn Thị Su cũng là người giúp Phìn học tiếng Anh miễn phí.

Một ngày, đang đi tour, mẹ anh hốt hoảng gọi điện: “Mày đang ở đâu? Bọn Tây cứ tìm đến nhà, bố mẹ biết làm thế nào? Sao nay nhà lại toàn người Tây thế?”. Anh biết mình đã thành công. Sùng Mí Phìn nhờ bạn làm nốt việc, phóng như bay về nhà.

Sùng Mí Phìn bắt tay vào nấu cơm đãi khách. Không kịp đi chợ, sẵn rau trong vườn, họ có gì ăn nấy.

Anh còn nhờ luôn khách vào bếp cùng mình. “Tôi cứ để họ được tự do, được sống thật như đang ở nhà của mình”, anh nói. Vì vậy, khách Tây đến nhà anh cũng tham gia quét nhà, hái cỏ cho bò, lên các khe đá lấy nước về…

“Ban đầu, chỉ vì nhà ít người nên tôi nhờ khách cùng làm với mình không ngờ họ lại thích việc đó. Về thị trấn Đồng Văn, họ kể cho nhau nghe: “Trên xã Sà Phìn có cái homestay lạ lắm”, anh nói thêm.

“Đây mới đúng là cuộc sống người H’Mông trên vùng cao nguyên đá - khó khăn nhưng vui vẻ, hạnh phúc”, một vị khách khác nói. Khách đông hơn, mỗi tháng gia đình anh đón khoảng 60 người với giá 250 nghìn/ngày.

Bố mẹ anh cũng thôi không còn phản đối con trai. “Ngày trước, mẹ tôi đi cắt cỏ mỗi ngày chỉ được 5 bó. Nay có khách đi cùng, mỗi ngày bà có được 20 bó cỏ lại còn có người mang giúp về tận nhà”, anh kể.

{keywords}
Anh quay video, tạo các diễn đàn... để chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch với người dân địa phương, giúp họ có công việc, thu nhập từ việc khai thác vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa của đất và người Hà Giang.

Khách đến nhà Sùng Mí Phìn là người Nhật, Trung Quốc, Mỹ… Anh ấn tượng nhất với 2 cô gái Mỹ từng ở lại nhà anh để đón Tết của người H’Mông.

Các cô gái cùng vào bếp làm cơm, gói bánh… để đón năm mới. Họ còn tự tay dán miếng vải đỏ lên cửa nhà Sùng Mí Phìn. “Người H’Mông quan niệm, dán miếng vải này phải là những khách xa lạ và ở thật xa càng đem lại may mắn cho gia chủ”, anh nói.

Ngoài phát triển homestay, 9X ở Hà Giang cũng muốn người dân quê anh được sống trong môi trường du lịch, có công ăn việc làm. Anh lập các nhóm làm diễn đàn và dựng các video để truyền tải cách làm du lịch chuyên nghiệp cho người dân học hỏi.

“Dù làm gì, cách nào, đích đến của tôi vẫn là đem được văn hóa bản địa, cái nét riêng của Hà Giang để giới thiệu cho du khách”, anh khẳng định.

Với những nỗ lực của mình, tháng 11 vừa qua, dự án “Phát triển du lịch bền vững” của Sùng Mí Phìn đạt giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc” năm 2020.

Chàng trai bỏ đại học, mua đất trồng rừng, ‘gọi’ chim về ở

Chàng trai bỏ đại học, mua đất trồng rừng, ‘gọi’ chim về ở

Không thu hoạch mà ‘tặng’ cả cánh rừng chuối chín cho bầy chim ăn, anh Tâm bị nhiều người gọi là “điên”. Dù vậy 9X vẫn miệt mài với công việc phủ xanh núi và ‘gọi’ chim về.

Ngọc Trang. Ảnh: NVCC