Việc cảng hàng không, hãng hàng không phải bố trí chỗ câu lưu, phục vụ ăn uống và “canh gác” những hành khách sử dụng hộ chiếu, visa không hợp lệ ngay tại sân bay đang tồn tại nhiều bất cập...
Khách nước ngoài “ăn ở” cả tháng tại sân bay
Nguồn tin của PV cho hay, mới đây, Hãng hàng không Vietjet vừa phải hỗ trợ tiền vé để đưa một hành khách đang “sống” tại sân bay quốc tế Nội Bài quay về lại Ghana.
Cụ thể, hành khách tên Kyei Baffour Benjamin (quốc tịch Ghana) đến Nội Bài hôm 21/2 trên chuyến bay VJ933 từ Narita (Nhật Bản) về Hà Nội. Trước đó, hành khách này đã bị Cơ quan Hải quan Nhật Bản từ chối nhập cảnh không rõ lý do và hãng hàng không buộc phải đưa hành khách này quay trở lại nơi quá cảnh là Việt Nam. Tuy nhiên, khi quay lại Nội Bài, do không có visa Việt Nam nên hành khách này tiếp tục bị từ chối nhập cảnh và buộc phải lưu trú tại phòng từ chối nhập cảnh sân bay Nội Bài.
Khách ngủ vạ vật ở sân bay - Ảnh minh họa |
Trong quá trình ở tại đây, nam hành khách này nhiều ngày liền không chịu ăn uống, sức khỏe suy giảm rõ rệt. Y tế sân bay đã phải chuyển hành khách vào viện để cấp cứu. Hãng hàng không phải chịu trách nhiệm theo dõi hành khách này trong suốt quá trình chuyển viện cấp cứu và bàn giao lại sân bay khi khỏi bệnh. Do hành khách không đủ tiền để mua vé quay lại Ghana, phía Vietjet cũng đã phải hỗ trợ tiền vé.
Được biết, hiện tại, nam hành khách sinh năm 1993 này đã quay trở lại quê trên chuyến bay TK168 của Hãng hàng không Turkish Airlines.
Trước đó, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng có một trường hợp tương tự khi nam hành khách người Zimbabwe tên Masena Bokang Jon (SN 1986) lưu trú tại Phòng Từ chối nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất gần 2 tháng. Vị khách này thường xuyên nhịn đói do Hãng hàng không Air Asia chỉ phục vụ bánh mì nhưng hành khách không chịu ăn và không có tiền để mua đồ ăn khác. Đáng nói, hành khách này còn có tiền sử bị ung thư. Bộ phận y tế của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã nhiều lần phải hỗ trợ hành khách này do sức khỏe suy giảm nhanh, nhiều lần bị co giật.
Được biết, khi làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách này (đi trên chuyến bay FD650 từ Don Mueang - Thái Lan), Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất phát hiện Hãng hàng không Air Asia chuyên chở 1 hành khách bị phía Nhật Bản trả về theo hành trình và không có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu.
Trước đó, hành khách này từ Jakarta (Indonesia) về Việt Nam trên chuyến bay VN630 và tiếp tục hành trình đến Don Mueang (Thái Lan) trên chuyến bay FD651 của Hãng hàng không Air Asia. Sau khi đến sân bay Kansai (Nhật Bản) thì bị phát hiện sử dụng hộ chiếu đã thay đổi nhân thân. Sau gần 2 tháng sống vạ vật tại Phòng Từ chối nhập cảnh, sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách Masena Bokang Jon đã được xuất cảnh rời khỏi Việt Nam trên chuyến bay của Hãng hàng không Turkish Airlines TK168 từ TP HCM đi Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), sau đó bay tiếp về châu Phi, nơi hành khách được xác định quốc tịch.
Quốc tế đã có khuyến cáo
Tìm hiểu của PV, những trường hợp tương tự như trên khá phổ biến tại các CHK, sân bay. Theo đại diện một hãng hàng không, những năm gần đây, do làn sóng di cư bất hợp pháp từ các khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á đến một số nước phát triển để tị nạn tìm việc làm. Nhiều khách đã sử dụng hộ chiếu, visa, thẻ cư trú giả với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đáng nói, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác là một trong những điểm trung chuyển được lựa chọn.
“Trong những trường hợp như vậy, hãng hàng không phải chịu tiền phạt cả chục nghìn euro. Đó là chưa nói đến việc phải thanh toán các chi phí giam giữ, ăn ở cho khách bị từ chối nhập cảnh ở nước ngoài cũng như chi phí tổ chức áp giải, chuyên trở khách quay trở lại nơi xuất phát”, vị này nói.
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không VN nhận định, các cảng hàng không Việt Nam và các hãng hàng không đang gặp phải vấn đề hành khách đã xuất phát từ Việt Nam nhưng bị quốc gia nơi đến từ chối cho nhập cảnh với lý do dùng hộ chiếu giả... Những hành khách này bị đẩy về Việt Nam theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO.
“Khi các hành khách này quay lại Việt Nam lại không được công an cửa khẩu cho nhập cảnh do không có hộ chiếu. Trong khi chờ đợi quyết định của các đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh, các hãng hàng không, cảng hàng không phải bố trí chỗ câu lưu, phục vụ ăn uống và canh gác. Việc này ảnh hưởng đến hoạt động khai thác bình thường của ngành hàng không và hình ảnh đất nước khi có người bị câu lưu ăn ở ngay tại nhà ga quốc tế”, Cục Hàng không VN phân tích.
Đáng nói, trong những trường hợp như thế này, ICAO đã có Phụ ước 9 (Annex 9) yêu cầu cơ quan xuất nhập cảnh các nước phải cho nhập cảnh những hành khách đã xuất phát từ lãnh thổ của mình để tiến hành điều tra, kiểm tra đối tượng đó. Hãng hàng không chỉ phải chịu trách nhiệm tiếp nhận và vận chuyển những hành khách này đến địa điểm được xác định theo kết quả điều tra của nhà chức trách.
“Việc câu lưu các hành khách bị từ chối nhập cảnh nói trên sẽ không đúng với tiêu chuẩn quốc tế. Đó là chưa nói đến việc lực lượng an ninh hàng không canh giữ các hành khách này tại sân bay là trái thẩm quyền, chức trách và nhiệm vụ”, Cục Hàng không VN phân tích thêm.
Theo Cục Hàng không VN, với trường hợp khách lưu trú tại Tân Sơn Nhất gần 2 tháng, nếu căn cứ theo quy định của ICAO Annex 9, trách nhiệm của công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất là tiếp nhận hành khách này, điều tra việc anh ta dùng hộ chiếu giả nhập cảnh Việt Nam, sau đó (có thể) làm lệnh trục xuất và giao Vietnam Airlines chở hành khách này về Jakarta Indonesia - nơi xuất phát của hành khách đến Việt Nam hoặc nơi nào chấp nhận nhập cảnh cho hành khách. Có như vậy mới phù hợp với quy định chung của quốc tế đồng thời không để mất hình ảnh của một sân bay quốc tế khi có khách sống “vật vờ” gần 2 tháng, không ăn uống, tắm rửa, gây ảnh hưởng đến hành khách khác.
|
(Theo Báo Giao thông)