Hàng handmade thuần Việt luôn có chỗ đứng
- Chị có thể chia sẻ cơ duyên nào đã đưa chị đến với nghề kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ?
Năm 1997, tôi mở một cửa hàng bán đồ lưu niệm và thổ cẩm ở khu vực phố cổ Hà Nội. Những năm đó, khách du lịch rất thích các sản phẩm thủ công của người dân tộc Việt Nam nên hàng bán khá chạy. Sau một thời gian kinh doanh thuận lợi đến năm 2000 tôi quyết định vừa bán vừa sản xuất dưới tên VN Melody. Tôi vừa mở xưởng, vừa xây dựng các nhóm sản xuất vệ tinh tại các làng nghề.
Nhờ sản phẩm có chất lượng tốt, chúng tôi được nhiều khách nước ngoài tin tưởng và dần dần có được những đơn hàng xuất đi Anh, Canada, Singapore… Với nhiều dự định ấp ủ và có nhiều hướng đi mới, Công ty Trúc Lâm được mở để thực hiện sứ mệnh của mình.
Song song với việc gia công hàng thủ công theo đặt hàng của khách nước ngoài, chúng tôi cũng cung cấp các sản phẩm túi thêu, túi thổ cẩm, hàng thổ cẩm, hàng thú bông làm trên các chất liệu truyền thống cho các chuỗi cửa hàng lưu niệm lớn tại Việt Nam.
Bà con dân tộc H'Mông vẽ họa tiết bằng sáp ong lên vải thổ cẩm (xã Pà Co, Mai Châu, Hòa Bình). Đây là một trong những nhóm sản xuất vệ tinh của Trúc Lâm |
- Chị đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường đối với các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam?
Rất nhiều người nghĩ rằng các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam khó cạnh tranh được về giá hoặc mẫu mã so với hàng nhập từ các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, tôi có thể khẳng định rằng hàng handmade thuần Việt luôn có chỗ đứng đặc biệt đối với các khách nước ngoài. Công ty là 1 trong các vendor được Văn phòng cộng đồng (Community Liaison Office) đại sứ quán Mỹ lựa chọn mời tham gia các sự kiện, hoạt động thường niên của sứ quán tại Hà Nội.
Rất nhiều khách nước ngoài khi đến thăm gian hàng Trúc Lâm đều trầm trồ thích thú khi nghe kể về quá trình sản xuất, từ khâu dệt vải bằng lanh, cho tới khâu nhuộm chàm, rồi vẽ họa tiết bằng sáp ong. Họ sẵn sàng mua những sản phẩm thổ cẩm thuần Việt với mức giá tương xứng. Đặc biệt, xu hướng hiện đại đang thiên về sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Đây là cơ hội lớn cho các sản phẩm handmade của Việt Nam.
- Theo chị, chúng ta cần làm gì để duy trì các làng nghề truyền thống trước làn sóng đô thị hóa hiện nay?
Hiện nay, khi các khu công nghiệp mở rộng về các tỉnh, các bạn trẻ thích đi làm công nhân để có lương và cuộc sống ổn định. Do vậy, muốn phát triển nghề thủ công thì phải tạo công ăn việc làm thường xuyên với mức lương đủ tốt để những người thợ yên tâm gắn bó với nghề.
Lợi thế của các làng nghề thủ công truyền thống là người thợ có thể tranh thủ làm lúc nông nhàn mà vẫn lo chuyện đồng áng và gia đình. Những người đàn ông ở quê có việc làm thêm giúp vợ sẽ bớt rượu chè, gia trưởng, tệ nạn …
Chị Lê Thị Thắm đứng bên gian hàng công ty tại sự kiện do sứ quán Mỹ tổ chức |
Cần thiết kế chuyên nghiệp, kiểm soát chặt, quảng bá tốt
- Theo chị, những thách thức chính trong việc phát triển các sản phẩm truyền thống của Việt Nam là gì?
Nghề thủ công có nhiều nét tinh túy, tuy nhiên, nếu không được thiết kế chuyên nghiệp, các khâu sản xuất không có quy trình kiểm soát chặt chẽ, thì sản phẩm không những không bán được giá cao mà còn khó bán.
Việc quảng bá, tiếp thị đến khách nước ngoài cũng là một khâu rất quan trọng. Giới thiệu nét đặc sắc của những sản phẩm thủ công Việt Nam ra thị trường quốc tế không chỉ khó, mà còn đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian và tài chính. Đây là hai điểm yếu cố hữu mà tôi nghĩ chúng ta cần khắc phục trong thời gian tới.
Khách nước ngoài thích thú khám phá các sản phẩm thủ công thuần Việt |
- Chị có thể chia sẻ một số kế hoạch phát triển Trúc Lâm trong thời gian tới?
Bản thân luôn yêu và muốn gắn bó sâu với nghề , từ nhiều năm trước tôi đã luôn có ý thức sưu tầm những đồ dùng, sản phẩm truyền thống mang của bà con dân tộc các vùng miền và các làng nghề địa phương.
Trong thời gian tới, Trúc Lâm dự định cộng tác với bạn hàng có cùng ý tưởng và chí hướng, mở mô hình trưng bày mộc mạc, gần gũi, đậm chất văn hóa nhằm quảng bá sản phẩm thủ công Việt Nam đến với khách trong và ngoài nước. Chúng tôi hy vọng phát triển Trúc Lâm thành thương hiệu hàng thủ công Việt, chứ không chỉ đơn thuần gia công cho nước ngoài.
Cá nhân tôi rất muốn chia sẻ tới khách hàng những câu chuyện về làng nghề, về văn hóa ẩn sau những sản phẩm đó. Có làm được như thế thì người thợ thủ công và bà con dân tộc mới có động lực gắn bó với nghề khi tận mắt thấy sản phẩm của mình được đi khắp nơi trên thế giới.
- Cảm ơn chị rất nhiều !
Doãn Phong