Mới hôm qua, anh Dũng chở khách từ chỗ làm về nhà ở khu vực quận Phú Nhuận (TPHCM) hết 17.000 đồng. Chị khách đưa tờ 20.000 đồng và chờ lấy lại tiền thừa. Anh Dũng trả tiền và hai bên cảm hơn nhau.
Đó là chuyện rất hiếm trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Còn với tình hình hiện nay, anh Nguyễn Văn Dũng, một người chạy xe ôm công nghệ ở TPHCM, đã quen với việc: Khách không "boa".
Với sự nhiệt tình, chạy xe cẩn thận, hầu hết các cuốc xe ngắn dài, anh thường xuyên được khách "boa" tiền. Có người nhiều, còn được khách chủ động làm chẵn số tiền theo hướng tăng lên khi phải thanh toán.
Với công việc chạy xe như anh, tính ra tiền "boa" là một khoản không nhỏ. Mỗi tháng cũng được vài triệu đồng.
Giờ khách đã ít đi lại, thu nhập giảm và tiền "boa", nếu có cũng rất ít. Ông bố chạy xe lo cho 2 con ăn học đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn.
Tại một tiệm làm tóc nổi tiếng ở đường Hiệp Bình (Thủ Đức, TPHCM), chủ tiệm còn có hẳn một hũ đựng tiền "boa" từ khách. Khách thường "boa" thêm 20.000 - 30.000 đồng/lần.
Có khách sang thì cho hơn, cuối ngày chia cho nhân viên. Có ngày, tính ra là một khoản không nhỏ.
Nhiều ngành nghề dịch vụ đã khó khăn vì vắng khách, lại còn bị "cạn kiệt" thêm nguồn thu từ tiền "boa" |
"Từ sau dịch, tiệm đã ế, được vài khách thì khách cũng chặt chẽ, chi li hơn. Trước đây hiếm người không "boa" thì bây giờ hiếm... người "boa". Nhân viên lương giảm, tiền "boa" cũng ít, rất khó khăn. Không có việc, nhiều người phải tạm nghỉ về quê", chị Trần Ngọc Nhung, quản lý tiệm bày tỏ.
Khách còn đến tiệm là mừng
Ở Việt Nam, tiền "boa" không phải là khoản chi có tính bắt buộc như một số nơi trên thế giới. Chưa kể, tùy chi phí giá cả hoặc tính chất của từng tiệm, nhiều nơi công khai không nhận tiền "boa" từ khách, nhân viên không được phép nhận tiền "boa"
Nhưng nhìn chung, ở TPHCM rất nhiều ngành nghề dịch vụ, ngoài lương "cứng", tiền "boa" từ khách góp một phần đáng kể vào thu nhập.
Khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, khách trở nên cân nhắc hơn trước các hóa đơn thanh toán. (Ảnh có tính minh hoạ) |
Thậm chí, nhiều vị trí công việc, lương rất khó đủ để xoay xở nếu không có tiền "boa" như nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn, nhân viên làm tóc, spa, chạy xe, trông xe... Nếu không có tiền "boa" nhiều người không thể bám trụ với công việc.
Chị Đặng Thu Anh, nhân viên một ngân hàng tại TPHCM, chia sẻ, mỗi ngày chị sử dụng nhiều dịch vụ như ăn xuống, xe cộ, làm đẹp... Trước đây, thu nhập của chị là trên 30 triệu đồng/tháng, ít nhiều chị đều "boa", trừ khi thái độ của phục vụ quá đáng. "Còn giờ, thu nhập giảm gần một nửa, tôi phải hạn chế sử dụng các dịch vụ. Nếu có dùng, tôi cũng không có điều kiện để "boa" như trước. Mình cũng ngại, nhưng không có cách nào khác", chị nói. |
"Boa", hay còn gọi là "tiền thêm" cho nhân viên phục vụ cũng dần được xem là một thói quen của nhiều người tiêu dùng ở TPHCM.
Thế nhưng, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, nhiều người phải cân nhắc, tính toán hơn với đồng tiền mình bỏ ra.
Làm nhân viên phục vụ tại một quán ăn ở quận 1, nữ nhân viên Lê Anh Thảo, 26 tuổi cho biết, trước đây, một ngày làm việc, thấp nhất cô cũng nhận được 100.000 - 200.000 đồng tiền "boa". Gặp khách có điều kiện hay trúng anh chị nào muốn thể hiện với bạn bè, có khi "boa" cả triệu đồng.
Thảo thừa nhận đây là khoản thu nhập chính để trang tiền trọ, tiền lo cho đứa em ăn học.
Giờ đây khoản "boa" này xem như không còn, hoặc có thì rất ít. Khách thường chuẩn bị đúng số tiền cần thanh toán, kể cả số lẻ. Nếu đưa dư, cũng ít người để lại tiền thừa kèm trong hoá đơn như trước.
Tuy nhiên, Thảo hiểu rằng, khách cũng khó khăn vì dịch bệnh, họ cũng phải tiết kiệm hơn trong chi tiêu.
"Còn có khách đến quán là mừng. Nếu vẫn chọn công việc này thì không thể vì không có tiền "boa" mà mình thay đổi thái độ phục vụ. Khách cũng có cái khó của họ", cô gái bộc bạch.
Tiền "boa" (còn gọi là Tip) là một khoản tiền nằm ngoài hóa đơn mà khách hàng dành tặng cho nhân viên đã phục vụ. Khoản tiền này có ý nghĩa như một lời cảm ơn về cách làm việc nhiệt tình, chu đáo của nhân viên, giúp mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Có nhiều cách chia tiền "boa" như của ai người nấy hưởng, hoặc chia theo vị trí công việc hoặc chia đều cho tất cả nhân viên ở các bộ phận. |
(Theo Dân Trí)