Sáng 31/3, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-Startup tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 - Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và khó khăn to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế, đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến toàn bộ các ngành, khu vực, đối tượng khác nhau. Việc hoàn thành “mục tiêu kép” của năm 2020 là vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa giảm thiểu được những tác động tiêu cực của đại dịch, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Dù ở mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 20 năm qua (tăng 2,91%), nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất toàn cầu, trong bối cảnh tăng trưởng chung của kinh tế thế giới suy giảm 4%.
Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm hỗ trợ và giải cứu một số khu vực kinh tế và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng đại dịch diễn biến phức tạp trở lại trên nhiều địa phương trong cả nước đang và sẽ tác động toàn diện, nặng nề hơn đến nền kinh tế. Tình trạng này đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc một gói hỗ trợ mới trong năm 2021 và thậm chí xa hơn, với quy mô lớn và độ bao phủ rộng hơn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì phát triển kinh tế và chuẩn bị giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã thể hiện được khả năng kiểm soát khủng hoảng COVID-19 và biến khủng hoảng thành cơ hội. Việt Nam đã nâng cao sự hiện diện trong thương mại toàn cầu và hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong các mặt hàng xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh với việc kết nối, tận dụng các công cụ công nghệ thông tin mới tốt hơn; có tính toán đến chuyển đổi và tạo ra công nghệ xanh nhằm duy trì thế mạnh cạnh tranh…
Tuy nhiên, ông Jacques Morisset cũng chỉ rõ: Dịch COVID-19 khiến tại Việt Nam xuất hiện những nguy cơ tổn thương mới. Cụ thể như: 46% hộ gia đình cho biết thu nhập tháng 12/2020 thấp hơn so với 1 năm trước đó. Các chương trình xã hội hiện nay mới chỉ tập trung vào đối tượng nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia hoặc các nhóm đặc biệt; các chương trình gần đây trong gói hỗ trợ của tháng 4/2020 chưa được thực hiện tốt, chưa đến 1% đối tượng được nhận hỗ trợ…
Văn Giáp