Hình tượng Phan Đăng Lưu - nhà cách mạng tiền bối, một tri thức tiêu biểu xuất sắc sẽ được khắc họa qua vở "Hừng đông" trên sân khấu Cải lương.
Chiều ngày 4/1/2016, tại Hà Nội, Báo Văn Hoá, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp tổ chức họp báo giới thiệu vở cải lương "Hừng đông". Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Cở cải lương “Hừng đông” do PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ làm tác giả, kịch bản văn học, đạo diễn- NSƯT Triệu Trung Kiên sẽ bao gồm 7 cảnh nói về thời niên thiếu cũng như sự nghiệp sau này của Phan Đăng Lưu. "Quê nhà"; "Vinh, Nghệ An"; "Huế",...
Và cuối cùng, cảnh kết "Hừng đông" như tên của vở diễn: Phan Đăng Lưu bị địch bắt ngay khi về đến Sài Gòn, Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trong khí thế cách mạng ngút trời của quần chúng; kẻ thù đàn áp hết sức dã man; Phan Đăng Lưu cùng nhiều chiến sỹ cách mạng ưu tú ngã xuống trước hừng đông của độc lập, tự do…
NS Quang Khải sẽ vào vai Phan Đăng Lưu, NS Thu Hiền vào vai Nguyễn Thị Danh |
Theo PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, lý do ông chọn tái hiện lại hình ảnh của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu bởi đây là một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta, đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. "Kịch bản hơn 100 trang là tâm huyết của tôi nhưng khi đạo diễn dựng, có một số chỗ cắt đi tôi cũng tiếc nhưng tôi tôn trọng đạo diễn. Không có chuyện xích mích, cãi cọ giữa tác giả và đạo diễn ở vở diễn này. Tôi hy vọng khi xem, khán giả sẽ thấy được hồn cốt của nhân vật này", PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu.
Vở diễn sẽ có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Trong đó, NS Quang Khải sẽ vào vai Phan Đăng Lưu, NS Thu Hiền vào vai Nguyễn Thị Danh, NS Như Quỳnh vào vai Nguyễn Thị Vịnh (Nguyễn Thị Minh Khai)...
Vở diễn sẽ được công diễn vào các ngày 7,8,9/ 1, tại Nhà hát Hồng Hà.
Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học, yêu nước, yêu lao động, đoàn kết, nghĩa tình. Ông sớm bộc tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; giỏi về tiếng Hán, tiếng Pháp, văn học, nông học, chính trị học, xã hội học.. Những năm tháng tuổi trẻ, Phan Đăng Lưu ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ. Từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thực dân, ông tham gia Hội Phục Việt, rồi trở thành đảng viên Đảng Tân Việt, trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng này. Sau đó ông trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), được giao trọng trách Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (Từ 1936), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (3-1937), Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1937-1940). |
T.Lê