Các thành viên Thượng viện Mỹ tuyên bố rõ họ có cách tiếp cận khác so với phiên toà về cuộc gọi của ông Trump với phía Ukraina. Giờ đây, họ lập luận rằng, kinh nghiệm của họ với tư cách là nhân chứng cho cuộc bạo loạn ở đồi Capitol ngày 6/1 là đủ cho phiên toà.
Ảnh: AP |
Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell hiện vẫn còn đang bàn về cách thức tiến hành phiên tòa luận tội. Do vậy vẫn chưa chắc liệu thượng viện có bỏ phiếu cho câu hỏi về nhân chứng hay không.
Phiên toà được cho là sẽ không kéo dài quá một tuần lễ, nhưng điều này có thể thay đổi nếu các nhân chứng được triệu tập. Một số thành viên Dân chủ ở thượng viện muốn một phiên toà chóng vánh, viện dẫn còn nhiều ưu tiên khác, chẳng hạn như cứu trợ đại dịch Covid-19, và khả năng 17 thành viên Cộng hoà đứng về phía họ kết tội ông Trump là rất khó.
Trong khi đó, hầu hết các đảng viên Cộng hòa tán thành lập luận rằng việc luận tội một cựu tổng thống là vi hiến. "Cả hai bên đều muốn kết thúc nhanh chóng", Politico dẫn lời Thượng nghị sĩ Cộng hoà John Thune bày tỏ. "Nếu họ muốn triệu tập nhân chứng, phiên toà chắc chắn sẽ kéo dài".
Trong khi đó, các Thượng nghị sĩ Dân chủ cho rằng, ở phiên toà lần 1, các nhân chứng bên ngoài được cần đến để phơi bày mức độ ông Trump thúc ép Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky điều tra các đối thủ Dân chủ, trong đó có ông Joe Biden, để đổi lấy viện trợ. Còn lần này, họ tự thấy mạng sống của bản thân đã bị đe doạ như thế nào trong cuộc bạo loạn ngày 6/1 và đã chứng kiến ông Trump phản ứng khi đó.
"Đây là một tình huống đặc biệt, trong đó chúng tôi đều là nhân chứng cũng như nạn nhân", Thượng nghị sĩ Dân chủ Debbie Stabenow nói và cho biết thêm rằng, bà muốn "nghe xem Hạ viện muốn trình bày vụ việc như thế nào".
Politico chỉ ra rằng, tiến trình xung quanh phiên toà luận tội lần 2 cũng rất khác. Hạ viện đã dành 2 tháng từ khi bắt đầu điều tra đến khi bỏ phiếu luận tội để điều tra cuộc gọi của ông Trump và việc chính quyền của ông giữ lại khoản viện trợ cho Ukraina, và tiến hành một số phiên tranh tụng, yêu cầu tài liệu từ Nhà Trắng. Còn lần này, Hạ viện đã bỏ phiếu nhất trí luận tội ông Trump chỉ trong vòng một tuần sau cuộc bạo loạn ở toà nhà quốc hội và chưa từng tổ chức một cuộc điều tra chính thức nào.
Và còn một điều khác biệt nữa, đó chính là ông Trump không còn là chủ nhân Nhà Trắng nữa. Thượng viện Mỹ chưa từng tổ chức một phiên toà xét xử cựu tổng thống.
Các thành viên Dân chủ cho rằng thượng viện cần phải buộc ông Trump chịu trách nhiệm và cấm ông giữ chức vụ công. Kể cả ông không bị kết tội thì họ vẫn muốn phơi bày cho công chúng thấy những gì đã xảy ra ngày 6/1.
Và dù không ai nghĩ phiên toà sẽ kéo dài, đảng Dân chủ cũng không đóng hẳn cửa với nhân chứng. Trong các cuộc phỏng vấn lần tuần qua, một số thượng nghị sĩ nói họ ủng hộ đưa các cá nhân vào đối chất nếu họ cung cấp thông tin mới.
Trong khi đó, nhóm pháp lý của cựu tổng thống Donald Trump được cho là sẽ không yêu cầu nhân chứng. Tuy vậy, các thượng nghị sĩ nói họ sẵn sàng tiếp nhận yêu cầu.
Thanh Hảo
Thượng viện Mỹ chấp nhận yêu cầu hoãn phiên tòa luận tội ông Trump
Văn phòng lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ tuyên bố, cơ quan lập pháp này sẽ đáp ứng yêu cầu từ một trong các luật sư của cựu Tổng thống Donald Trump về việc hoãn phiên tòa luận tội ông.
Ông Trump từ chối chứng thực tại phiên xử luận tội
Các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện đã đề nghị cựu Tổng thống Donald Trump làm chứng trong phiên xử luận tội ông sắp tới tại Thượng viện. Tuy nhiên, ông Trump đã từ chối.