- Do tỷ giá tăng, chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN năm nay sẽ đội hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng tập đoàn này cam kết sẽ tự gánh lỗ tỷ giá để giữ nguyên giá điện từ nay đến cuối năm.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết thông tin trên.
Chịu lỗ tỷ giá 2.000 tỷ để giữ giá điện năm nay
Theo ông Tri nói: "EVN vay vốn bằng ngoại tệ nên tăng tỷ giá như vừa qua sẽ ảnh hưởng ngay trực tiếp đến giá thành và chi phí đầu tư".
Tổng ước tính các khoản chênh lệch tỷ giá của EVN lên tới 12.040 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 2.040 tỷ đồng là lỗ tỷ giá ảnh hưởng đến giá thành sản xuất kinh doanh ngay trong năm nay và 10.000 tỷ đồng là khoản chênh lệch tỷ giá của các khoản vay dài hạn nên sẽ ảnh hưởng trong tương lai.
Ông Tri liệt kê, từ đầu năm đến nay, chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng đến các khoản nợ ngắn hạn, phải trả nợ ngay của EVN là khoảng 240 tỷ đồng. Ngoài ra, giá khí để phát điện cũng được mua bằng đồng USD nên tỷ giá tăng cũng khiến chi phí EVN mua điện từ các nhà máy chạy khí sẽ tăng lên. Ước tính, năm 2015, chi phí mua điện của EVN tăng lên là 1.800 tỷ đồng vì rủi ro tỷ giá.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam |
Như vậy, tổng cộng các khoản chênh lệch tỷ giá mà EVN phải hạch toán ngay vào giá thành trong năm nay là hơn 2.000 tỷ đồng.
Đối với những khoản vay chưa đến hạn trả, EVN vay số lượng lớn, từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó, vay cả bằng đồng USD và đồng tiền khác Yen Nhật, EURO. Chênh lệch tỷ giá cho các khoản vay dài hạn này, ước đến cuối năm 2015 là phát sinh 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Tri cho biết: "10.000 tỷ này không phải hạch toán ngay. Theo thông tư 179, các công trình đầu tư khi quyết toán xong, được phép trích lập phân bổ chênh lệch tỷ giá dần dần trong 5 năm chứ không phải đưa hết vào giá thành một lúc".
Về kế hoạch đưa chênh lệch tỷ giá vào giá điện, ông Đinh Quang Tri cho hay: " Với khoản 2.000 tỷ chênh lệch tỷ giá phải đưa ngay vào chi phí sản xuất trong năm nay, chúng tôi sẽ tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận bằng cách tăng sản lượng các nhà máy điện giá rẻ lên, đặc biệt là thuỷ điện huy động tối đa công suất để bù đắp lại. Các đơn vị sẽ tìm mọi cách để tối ưu hoá chi phí, giảm giá thành sản xuất để tự cân đối mà không bị lỗ kinh doanh điện.
"Do vậy, từ nay đến cuối năm, chúng tôi không có kế hoạch xin điều chỉnh giá điện. Không phải vì tăng tỷ giá mà chúng tôi kiến nghị Chính phủ tăng giá điện", ông Tri khẳng định.
Phân bổ dần 10.000 tỷ trong 5-7 năm vào giá điện?
Tuy nhiên, ông Tri nói: "Khoản chênh lệch tỷ giá 10.000 tỷ đồng ở các khoản vay dài hạn thì EVN sẽ xin phép Chính phủ phân bổ dần vào giá điện trong nhiều năm".
EVN cam kết sẽ tự gánh lỗ tỷ giá để giữ nguyên giá điện từ nay đến cuối năm. |
Theo vị Phó Tổng giám đốc EVN giải thích, đây là các khoản phải trả trong 20 năm hay thậm chí là có khoản vay ODA phải trả trong 30 năm. Do đó, các khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh chưa phải trích ngay, trả ngay, nên không phải hạch toán ngay. Nếu phải phân bổ ngay vào giá thành một lúc thì EVN sẽ lỗ, nhưng nếu phân bổ trong 5-7 năm trong giá thành sản xuất kinh doanh thì EVN chịu đựng được, không có vấn đề gì về tài chính. Dòng tiền chưa đến hạn trả nợ thì cũng chưa thể gọi đó là lỗ tỷ giá được.
Ông Tri cũng phân tích: "Trước đây, năm 2011, EVN chênh lệch tỷ giá tới 26.600 tỷ đồng do tăng tỷ giá. Nhưng sau đó, chúng tôi đã xin Chính phủ cho phép trích dần trong 5 năm đến năm 2015 thì phân bổ hết. Cùng với các biện pháp tăng lợi nhuận, giảm giá thành, đến cuối năm 2014 thì khoản này chỉ còn 4.800 tỷ đồng".
"Chúng tôi cũng sẽ chờ Bộ Công thương có ý kiến chỉ đạo. Trường hợp bất khả kháng, nếu EVN không xử lý được thì EVN báo cáo Bộ Công Thương, Tài chính để xử lý", ông Tri cho hay.
"Tôi khẳng định năm nay không có tăng giá. Chúng tôi cũng hiểu nền kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp đều khó khăn, nếu EVN mà xin điều chỉnh giá điện thì sẽ gây khó khăn hơn. Trách nhiệm của EVN cũng phải tính toán để giữ ổn định giá điện từ nay cuối năm. Sang năm, chúng tôi sẽ tính toán tiếp để giữ ổn định giá điện càng lâu càng tốt", ông Tri nói.
Trước đó, theo ước tính của TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học kinh tế Hà Nội, tỷ giá tăng 3% thì giá điện chỉ nên tăng 1% là vừa đủ.
Phạm Huyền