Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, với mục đích làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Sáu tháng đầu năm 2023, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện.
Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đến tổ chức thực hiện, nhất là kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở khu dân cư, xã, huyện đều đạt được những thành tích đáng kể. Nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới được nâng lên. Xây dựng nông thôn mới thực sự trở thành xu thế, thành phong trào thi đua sôi nổi trên địa bàn huyện, thu hút cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư và toàn xã hội tham gia.
Đến nay, huyện Phù Ninh có 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% so với số xã trên địa bàn toàn huyện. Tính đến tháng 6 năm 2023, tổng số tiêu chí đạt được là 282 tiêu chí, bình quân số tiêu chí/xã đạt được là 17,6 tiêu chí (theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025). Chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Sáu tháng đầu năm 2023, toàn huyện đã phân bổ kinh phí để hoàn thiện các tuyến đường giao thông, trường học, như đường giao thông từ QL2-K98 đường huyện P3, đường giao thông đoạn từ ĐT 323 kết nối vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao An Đạo - Bình Phú... Nâng cấp lớp học Trường Tiểu học Tiên Phú và các hạng mục phụ trợ, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và nhiều công trình hạ tầng khác…
Tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; cơ cấu ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng trồng trọt.
Các hình thức sản xuất mới được áp dụng, triển khai thực hiện có hiệu quả; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác liên tục tăng. Thu nhập của người dân được nâng lên, cuộc sống được cải thiện góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.
Huyện đã chỉ đạo các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có kiểm soát, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ngày càng được nhân rộng như: mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng rau trong nhà màng tại các xã An Đạo, Bình Phú; mô hình tưới tiết kiệm sản xuất cây giồng xã Tiên Phú; các mô hình sử dụng dây chuyền tự động, bán tự động vào trang trại chăn nuôi gà ở các xã Trung Giáp, Liên Hoa; các mô hình mở rộng diện tích quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng... Triển khai thực hành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đối với cây bưởi, chè tại các xã Tiên Phú, Trung Giáp, Phú Lộc...
Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã làm chuyển biến tích cực nhận thức của các chủ thể về sản xuất kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, nâng cao ý thức trách nhiệm và tính cộng đồng. Tăng cường liên kết lẫn nhau giữa các khâu, các công đoạn từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Hiện, trên địa bàn huyện có 4 sản phẩm, nhóm sản phẩm của 4 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Do vậy nhu cầu tiêu thụ tăng cao làm tăng doanh thu và lợi nhuận sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, lợi nhuận tăng lên, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
UBND huyện Phù Ninh đã triển khai kịp thời, đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 cho các đối tượng thụ hưởng, từ hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, các chính sách về giáo dục, đào tạo, y tế, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ nhà ở... đến các xã trên địa bàn huyện.
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn huyện: Tổng số hộ dân cư toàn huyện 30.984 hộ; hộ nghèo 511 hộ, chiếm tỷ lệ 1,65%. Tổng số hộ cận nghèo 448 hộ, chiếm tỷ lệ 1.45%.
Công tác giáo dục được các ngành, các đơn vị tiếp tục quan tâm, chú trọng, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển nguồn nhân lực của huyện. Ngành giáo dục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Đổi mới phương pháp dạy và học; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng kiên cố hóa.... nên chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Đồng thời, đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nâng cấp mua sắm trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia.
Công tác giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tiếp tục được duy trì, phát triển cả về quy mô lớp học và chất lượng đào tạo, hàng năm tỷ lệ học viên tham gia học nghề đạt trên 90%.
Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân được chú trọng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực y tế được tăng cường đầu tư. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như tiêm chủng mở rộng; chăm sóc sức khỏe sinh sản; cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em... được thực hiện có hiệu quả. Hiện nay có 100% xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế. Toàn huyện có 92,3% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” tiếp tục được triển khai. Đồng thời, tuyên truyền các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư, quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
17/17 xã có nhà văn hóa, trung tâm thể thao đạt chuẩn, đảm bảo phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn, xóa dần khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị.
Công tác bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch, đẹp tiếp tục được các ngành, các đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện theo chỉ đạo của Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện. Có 11/17 xã được thu gom, vận chuyển và xử lý; còn các xã khác xử lý rác thải tại hộ gia đình theo hình thức chôn lấp và đốt. Tỷ lệ thu gom rác thải toàn huyện 11/17 đạt 64,7%. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 99,2%.
Mạng lưới viễn thông trên địa bàn huyện hoạt động ổn định, thông tin liên lạc đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cũng như hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Hạ tầng viễn thông từng bước được đầu tư nâng cấp, 100% các xã đã lắp đặt hệ thống mạng LAN tại nhà làm việc của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã.
Hoạt động của hệ thống truyền thanh huyện và cơ sở đã từng bước được nâng cao. Toàn huyện có 17 xã có đài truyền thanh FM. Trong đó có 22 thiết bị tích hợp cụm công nghệ thông tin - viễn thông với đài truyền thanh FM; có 243 cụm đài truyền thanh FM với 482 loa truyền thanh hoạt động tốt; 17 thiết bị quản lý, lưu trữ thông tin và sản xuất chương trình phát thanh (máy tính để bàn để bàn hoặc máy tính xách tay.
Tiếp tục triển khai hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (đài truyền thanh thông minh) cho các xã. Toàn huyện có 17/17 xã đạt tiêu chí về thông tin truyền thông, chiếm 100% tổng số xã của huyện.