Theo đánh giá sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là điểm đáng ghi nhận trong thời gian qua của các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh.
Các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đã quyết liệt thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Một số lĩnh vực được cải thiện rõ rệt về thủ tục hành chính như thủ tục về thuế và hải quan đã được đẩy mạnh thông qua việc áp dụng hiện đại hoá, giảm thủ tục, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Hệ thống khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63 Cục thuế và 100% chi cục thuế trực thuộc. Doanh nghiệp kê khai điện tử đạt tỷ lệ 99,64 % và được hỗ trợ nộp thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử. Số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế năm 2016 đã giảm 85 thủ tục so với 2015…
Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN.
Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 11/14 Bộ. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), 37 thủ tục hành chính của 9 Bộ còn lại đã được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số bộ hồ sơ hành chính đã được xử lý trên cổng là 264 nghìn bộ hồ sơ, với sự tham gia của hơn 8,2 nghìn doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã được đưa vào vận hành, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, góp phần giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp và xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.
Trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, hiện có 95/115 quy trình đạt tiêu chuẩn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%.
Các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính đã đạt được một số kết quả nhất định: 4.527/4.723 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 95,85%) đã được đơn giản hoá; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần tiết kiệm chi phí và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng...
Chính phủ điện tử được triển khai nghiêm túc để công khai, minh bạch tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng, công bố kết quả giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.
Cùng đó, các địa phương thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận và giải đáp khó khăn của doanh nghiệp. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.
Nhiều địa phương triển khai nhiều sáng kiến trong đối thoại với doanh nghiệp như cà phê doanh nhân (Quảng Ninh, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng…), khởi nghiệp-doanh nhân (Kon Tum), mô hình Bác sỹ doanh nghiệp (Bắc Ninh); thành lập Tổ điều hành thực hiện Nghị quyết 35 (Bà Rịa-Vũng Tàu), Tổ tư vấn, hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp (Trà Vinh)…