Kết quả ấn tượng
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, tỉnh Bình Định nằm trong top những địa phương dẫn đầu ở nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, Bình Định nằm trong số 41/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách miễn hoặc giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến...
Về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính là một giải pháp quan trọng để đổi mới công tác thực hiện số hóa dữ liệu trên cơ sở gắn kết trực tiếp với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm hình thành cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”.
Văn phòng Chính phủ đánh giá, Bình Định là một trong những địa phương thực hiện tốt số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài Bình Định còn có một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt như: Bộ Công an, Bộ Tài chính (Thuế, Hải quan), Bộ Giao thông vận tải (Quản lý phương tiện và người lái), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Đăng ký doanh nghiệp), Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, Bình Phước, Bình Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Bình...
Đồng thời, Bình Định cũng triển khai hiệu quả về đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối với tổng cộng 22 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành để phục vụ cho công tác quản lý, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; trong đó, có 7 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành do các cơ quan chức năng thuộc tỉnh quản lý và 15 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành các Bộ, ngành Trung ương quản lý; đáng chú ý là: Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm…
Một trong những điểm mới của địa phương là kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Hệ thống thông tin của mốt số bệnh viện, trường học, doanh nghiệp cấp nước, vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh giúp người dân Bình Định thực hiện thanh toán trực tuyến viện phí, phí trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh – hiện đang sử dụng chung nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Cùng với đó, nằm trong số 31 địa phương đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Bình Định cũng được đánh giá là một trong số những địa phương thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa.
Dựa trên dữ liệu theo thời gian thực trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ đánh giá Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bình Định, Tây Ninh… nằm trong số những bộ, ngành, địa phương thực hiện phục vụ người dân, doanh nghiệp đảm bảo chất lượng tốt.
Đẩy mạnh chuyển đổi số là cơ hội để Bình Định bứt phá
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, thời gian qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhiệm vụ chuyển đổi số của Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp đã từng bước dựa vào dữ liệu; công nghiệp CNTT có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và sự tham gia của các DN công nghệ hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, Bình Định đang phấn đấu xây dựng TP Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của cả nước trong thời gian đến.
Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Phùng Văn Ổn cho rằng, Bình Định nói chung và TP Quy Nhơn nói riêng là điểm nhấn thu hút về KH&CN và đổi mới sáng tạo ở miền Trung. Trong đó, Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành tại Quy Hòa là một không gian hội nghị, nghiên cứu nhiều tiện ích cho giới khoa học. Cùng với đó, FPT cũng công bố hình thành Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ tại Quy Nhơn, mang khát vọng đưa Bình Định trở thành trung tâm AI hàng đầu khu vực, trung tâm khoa học thử nghiệm các công nghệ mới nhất của thế giới.
“Chuyển đổi số chính là cơ hội để Bình Định và các tỉnh miền Trung bứt phá, tận dụng cơ hội để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực, nhất là xây dựng chính quyền điện tử, phát triển KT-XH của địa phương. Chuyển đổi số sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển của cả nước nói chung, cũng như miền Trung và tỉnh Bình Định nói riêng, nhằm nâng cao đời sống của người dân, sức cạnh tranh của DN và hiệu quả cho chính quyền địa phương các cấp”, ông Ổn chia sẻ.