Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06) với mục tiêu ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cũng đã xác định chủ đề năm 2023 là "Năm quốc gia về dữ liệu số", là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Theo đó, các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác đã được Bộ Công an triển khai.
Xác định rõ mục tiêu, định hướng của Đề án 06 và của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, ngành ngân hàng đã và đang tích cực ứng dụng dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ NH với nhiều sản phẩm - dịch vụ thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Ngày 24/4/, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06 bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể để phục vụ cho việc làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng.
Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn luôn được Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng chú trọng.
Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính với nhiều hình thức đa dạng để hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn, hợp lý.
Ông Phạm Tiến Dũng, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.
Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Xác định rõ vai trò quan trọng của dữ liệu trong hoạt động ngân hàng cũng như mục tiêu, định hướng của Đề án 06, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán đã và đang tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong nền kinh tế.
Về kết quả thực hiện Đề án 06, ông Lê Hoàng Chính Quang, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN cho biết: Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã phối hợp với C06 - Bộ Công an thực hiện 4 đợt rà soát và hoàn thành đối chiếu 42/54 triệu hồ sơ khách hàng. Căn cứ vào kết quả đối chiếu thì CIC đã và đang yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, báo cáo về các hồ sơ tín dụng có sai lệch.
Bên cạnh đó, các TCTD đang phối hợp với Bộ Công an triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp và triển khai giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng VNeID trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Trong đó, về ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip hiện có 40 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai thực hiện; về ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử, có 10 tổ chức tín dụng đã và đang liên hệ C06 để triển khai thực hiện; về làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng, có 27 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai; về ứng dụng chấm điểm tín dụng thì hiện có 7 tổ chức tín dụng đang phối hợp với C06 để thực hiện…
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong ngành ngân hàng.