Theo Nghị quyết 17 của Chính phủ, một trong những mục tiêu đến hết năm 2025 là 100% Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia (Ảnh minh họa: Internet) |
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2019 - 2020 và định hướng đến 2025.
Tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025”, Chính phủ đã xác định rõ, việc xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, các Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành là một trong những giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong hơn 9 tháng đầu năm nay, với việc thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia, cơ quan này cho biết, đã phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng hệ thống, kết nối thử nghiệm với một số dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu của các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Y tế, KH&ĐT và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, VietnamPost.
“Cơ bản đã hoàn thành việc nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp là một trong những hợp phần quan trọng của hệ thống. Cổng dịch vụ công quốc gia dự kiến được đưa vào vận hành chính thức trong quý IV/2019”, Văn phòng Chính phủ thông tin.
Để đảm bảo tiến độ đưa Cổng dịch vụ công quốc gia trong quý IV/2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ mới đây đã đề nghị các UBND tỉnh, thành phố trên toàn quốc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ.
Cụ thể, các UBND tỉnh, thành phố được đề nghị tập trung rà soát, chuẩn hóa dữ liệu thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, đảm bảo tính chính xác, đầy đủ theo quyết định công bố, văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành và các yêu cầu mới về nâng cấp phục vụ vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, với thời hạn hoàn thành là trước ngày 15/11/2019.
“Trường hợp phát hiện dữ liệu thủ tục hành chính của bộ, ngành đã công bố, công khai chưa đầy đủ, chính xác theo theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị các địa phương thông báo cho bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia theo đúng quy định”, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chuẩn bị các điều kiện tổ chức triển khai tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp khi Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Với các tỉnh, thành phố đã xây dựng hệ thống xử lý, phản ánh, kiến nghị, Văn phòng Chính phủ đề nghị các địa phương này phối hợp để tích hợp với Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đảm bảo thực hiện thống nhất, thông suốt, hiệu quả, hoàn thành trước ngày 15/11/2019.
Trước ngày 15/11/2019 cũng là thời hạn để các tỉnh, thành phố thực hiện tích hợp, công khai Bộ câu hỏi/trả lời về những vấn đề thường gặp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính và công khai trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
Các tỉnh, thành phố còn được yêu cầu hiệu chỉnh Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh để có thể sử dụng chung Hệ thống xác thực của Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó đối với các địa phương thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia phải hoàn thành trước ngày 15/11/2019.
Đồng thời, triển khai các biện pháp kỹ thuật để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Riêng với việc hoàn thiện, chuẩn hóa, tích hợp để triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2019, Văn phòng Chính phủ đề xuất các tỉnh, thành phố thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại.
Theo đó, đối với địa phương chưa triển khai thực hiện ở mức độ 4 sẽ tổ chức triển khai theo hệ thống tập trung của Bộ Công Thương được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Còn với địa phương đã triển khai ở mức độ 4, sẽ hoàn thiện, chuẩn hóa, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia để tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất, hoàn thành trước ngày 15/11/2019.
Cùng với đó, sẽ thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp. Các địa phương thực hiện theo hệ thống dịch vụ công của Bộ GTVT đã được nâng cấp, chuẩn hóa, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia. Riêng với Hà Nội, TP.HCM - 2 địa phương đang thực hiện riêng, Văn phòng Chính phủ đề nghị hoàn thiện, chuẩn hóa, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến này đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hoàn thành trước ngày 15/11/2019.
Về thực hiện dịch vụ cấp điện mới từ lưới điện trung áp, Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở, ngành liên quan và Tổng công ty (Công ty) điện lực tỉnh, thành phố xây dựng, ban hành quy chế phối hợp trong thực hiện cấp điện mới từ lưới điện trung áp (với các địa phương chưa có quy chế phối hợp) theo quy chế mẫu của Bộ Công Thương, đảm bảo tính liên thông, đơn giản, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng và việc tích hợp triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Văn phòng Chính phủ cũng cho biết thêm, các dịch vụ công trực tuyến khác (nếu có) sẽ thực hiện theo đề xuất của địa phương và đánh giá mức độ chuẩn hóa, sẵn sàng, hiệu quả.