Hải Phòng ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm tết nối, hội tụ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết: Diễn đàn là sáng kiến hiệu quả và càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.

Diễn đàn sẽ là một hoạt động kết nối có ý nghĩa thiết thực để các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của nhau, trên cơ sở đó nhận diện những cơ hội đầu tư mới, có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và cung ứng dịch vụ, đào tạo... trong nước học hỏi kinh nghiệm quản trị, điều hành và phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kết nối nhu cầu mua/bán nhằm mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các “ông lớn” FDI. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong tương lai.

diendan.png
Quang cảnh diễn đàn

Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Hải Phòng ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm tết nối, hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Hải Phòng (GRDP) liên tục đạt mức cao: giai đoạn 2021 - 2022 đạt bình quân 12,63%/năm, đứng thứ 2 cả nước, gấp 1,5 lần giai đoạn 2011 - 2015 (7,08%/năm) và gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,78%/năm). Tỷ trọng GRDP của Hải Phòng năm 2022 chiếm 3,83% GDP cả nước và 14,43% GDP Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Với 1 khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải có diện tích 22.540 ha thành lập từ năm 2008 và 14 khu công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích 6.126 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 63,5%. Đến nay, đã thu hút hơn 39 tỷ USD (gồm 501 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 25,72 tỷ USD và 217 dự án trong nước với tổng vốn 13,28 tỷ USD) đứng thứ 6 cả nước, thứ 2 miền Bắc.

Tính riêng trong giai đoạn giai đoạn từ năm 2020 đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 16,8 tỷ USD chiếm khoảng 42,7% tổng vốn đăng ký đầu tư 30 năm thu hút đầu tư vào KKT, KCN. Với sự kiện ngày 22/9, HEZA đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ USD, Hải Phòng đã trở thành “quán quân” về thu hút FDI trong cả nước khi tính từ đầu năm 2023 đến ngày 20/9, các KCN, KKT đã thu hút đạt hơn 3 tỷ USD (đạt 120% kế hoạch năm, hoàn thành chỉ tiêu trước 4 tháng).

Các KCN, KKT của Thành phố thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như tạo ra những tác động lan tỏa khác. Nổi bật đó là Tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9,24 tỷ USD; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư khoảng 7,6 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone với 1,224 tỷ USD; Pegatron với 900 triệu USD, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) với 500 triệu USD...

Tìm cơ hội phát triển cho doanh nghiệp phụ trợ nội địa

Theo ông Lê Trung Kiên, với vị trí địa lý, kinh tế chiến lược thuận lợi, vượt trội, trong những năm qua Hải Phòng đã thu hút được lượng vốn đầu tư FDI khá lớn với nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo. Khối doanh nghiệp FDI đã có những đóng góp lớn trong sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố và khu vực.

Song hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước còn chưa tương xứng, chưa tham gia được nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, việc cung ứng nguyên vật liệu, trao đổi công nghệ cũng như cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp DI còn ở mức khiêm tốn; sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước còn rời rạc, chưa tạo thành mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ nhằm xây dựng nền sản xuất bền vững…

Tính đến 8/2023,  Khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng đã thu hút được 494 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 24,9 tỷ USD.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 tới nay, đã có gần 3 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào địa phương này. Trong năm 2022 tổng doanh thu của các dự án đang hoạt động trong khu kinh tế ước đạt 34,8 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập đạt 24,46 tỷ USD và nộp ngân sách đạt 17,8 nghìn tỷ đồng, đồng thời đã tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động.

Các con số cho thấy sự sôi động trong sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, các vật liệu, sản phẩm phụ trợ cung ứng cho sản phẩm hoàn thiện đa phần đều do các doanh nghiệp phụ trợ nước ngoài cung ứng.

Ông Baek Chan, Tổng Giám đốc LG Electronic Việt Nam cho biết, công ty đã thông báo công khi danh mục các sản phẩm yêu cầu từ yêu cầu chất lượng, giá thành, thời gian cung cấp… đồng thời các quy trình lựa chọn nhà cung cấp đều mang tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch. Để tham gia được vào chuỗi sản phẩm thì lại phụ thuộc chính vào năng lực của doanh nghiệp.

Còn ông Hajimoto Naoyuki – Giám đốc vật tư Công ty Kyocera khẳng định, nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp bản địa là rất cần thiết do khi đầu tư vào vùng, lãnh thổ nhà đầu tư rất mong muốn thiết lập hệ sinh thái mới,  thị trường mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế kinh doanh không biên giới.

Tuy nhiên, việc tham gia vào chuỗi cung ứng đang là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nội khẳng định chính mình, tuy nhiên muốn hội nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực nội tại, trong đó chú trọng đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động đặc biệt cần vượt qua các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa cũng như thường xuyên cập nhật các quy định luật pháp liên quan đến lĩnh vực hợp tác, tuân thủ nghiêm các qui định của hiệp định thương mại đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Bởi vậy, bà Trần Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho rằng, để tăng cường thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI thì Thành phố cần xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp của thành phố phát triển, nhất là hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Vĩnh Bảo