Trước những biến động của thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng, muốn phát triển về vững và nắm bắt được thị trường thì xây dựng cơ sở dữ liệu để phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp đóng vai trò then chốt. Bởi, khi có dữ liệu sẽ đưa ra được những giải pháp thông minh.

Mới đây, ông Đỗ Minh Phương - đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã nhấn mạnh về ứng dụng của viễn thám trong nông nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình phân tích dữ liệu từ xa. 

Trong đó, viễn thám là công nghệ giúp thu thập dữ liệu về hiện trạng đất đai, môi trường và cây trồng từ các vệ tinh và thiết bị giám sát từ xa.

Ở nước ta, từ nhiều năm nay, công nghệ viễn thám được ứng dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp. Công nghệ này giúp điều tra quy hoạch rừng, thành lập bản đồ cây trồng, dự báo sản lượng, theo dõi diện tích nuôi trồng thủy sản, theo dõi dự báo hạn hán, các ứng dụng liên quan đến theo dõi phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu như lũ lụt, sạt lở đất...

W-nong nghiep.png
Công nghệ viễn thám giúp thu thập dữ liệu về hiện trạng đất đai, môi trường và cây trồng, còn AI giúp phân tích dữ liệu từ xa. Ảnh: Hoàng Hà

Có thể kể đến thành quả của việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong sản xuất lúa. Theo đó, thông qua công nghệ này thấy rõ được sự phân bố diện tích, năng suất theo mùa vụ, ước tính sinh khối, sản lượng thu hoạch, tình trạng đốt đồng. Ngoài ra, còn theo dõi lịch thời vụ, giai đoạn sinh trưởng, ảnh hưởng hạn mặn, lũ lụt đến sản xuất lúa; ước tính khí methan phát thải từ ruộng lúa; sâu bệnh, dinh dưỡng, giống lúa.

Trong khi, AI giúp phân tích dữ liệu từ ảnh vệ tinh, cho phép phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến hạn hán, ngập úng hoặc sâu bệnh. Nhờ đó, các biện pháp can thiệp có thể được triển khai kịp thời, giúp giảm thiểu thiệt hại và tối ưu hóa năng suất sản xuất.

Bên cạnh đó, AI còn giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, truy xuất dấu vết carbon. Đây là những yếu tố quan trọng trong bối cảnh xu hướng thị trường thay đổi sang hướng “xanh” và yêu cầu của thị trường quốc tế về phát thải khí nhà kính ngày càng cao. 

Do đó, các doanh nghiệp nông nghiệp có thể sử dụng AI để theo dõi và quản lý phát thải từ khâu sản xuất đến vận chuyển, từ đó đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và phát triển bền vững.

Ví như RiceMoRe sử dụng dữ liệu từ viễn thám để dự báo năng suất, phân tích lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất và đưa ra các khuyến nghị về quản lý tài nguyên một cách hiệu quả. Đây là một trong những ứng dụng tiên tiến của AI trong việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.

AI trong viễn thám còn hỗ trợ việc lập bản đồ canh tác, phân đoạn ảnh để xác định các khu vực có nguy cơ rủi ro cao hoặc các vùng đất cần bảo vệ. Những thông tin này giúp Chính phủ và doanh nghiệp đưa ra các chiến lược quản lý đất đai và cây trồng hợp lý hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp, ông Đỗ Minh Phương dẫn chứng.

Bộ NN-PTNT đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản. Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông lâm thuỷ sản phục vụ xuất khẩu. 

Đẩy mạnh theo dõi sát diễn biến giá cả và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong nước, kịp thời đề xuất các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản theo mùa vụ. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản…

Chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành nông nghiệp không thể nằm ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.

Ngừoi đứng đầu ngành nông nghiệp cũng khẳng định, sự phát triển của AI đang mở ra nhiều cơ hội mới trong việc tự động hóa quy trình sản xuất, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng, mục tiêu của ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ là nâng cao năng suất mà còn đảm bảo sự minh bạch và chất lượng của sản phẩm nông sản để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc ứng dụng AI trong nông nghiệp là bước đi tất yếu để đạt được những mục tiêu này. 

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp rất cần một công cụ để quản trị, điều hành, ứng dụng viễn thám vào nông nghiệp như Nhật Bản đã và đang áp dụng. 

Ông cũng lưu ý, tư duy của các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp đầu tiên là tư duy số, trong đó có tư duy về công nghệ bao gồm công nghệ viễn thám, AI. Các ứng dụng của công nghệ viễn thám cần được tích hợp lại để phục vụ cho tất cả các lĩnh vực, AI sẽ hỗ trợ ở các giai đoạn tiếp theo.  

Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ, các nhà khoa học trong việc phát triển các giải pháp sáng tạo giúp ngành nông nghiệp ứng phó với những thách thức của thời đại số.

Hà Giang