Tháng 1/1969, một nhà nghiên cứu của Sharp xem bộ phim tài liệu của NHK về hãng điện tử RCA. Trong đó, RCA trình diễn công nghệ ra đời từ năm 1968: màn hình tinh thể lỏng chế độ tán xạ động (LCD DSM). Sharp đã đề nghị Tổng Giám đốc RCA phát triển và sản xuất màn hình LCD DSM cho máy tính cầm tay của họ nhưng bị từ chối.
Năm 1971, Sharp được phép sử dụng một số bằng sáng chế của RCA và thành lập một nhóm có tên S734 để đưa màn hình LCD DSM vào máy tính trong 12 tháng. Sau khi trộn hơn 3.000 loại tinh thể lỏng và tổng hợp hơn 500 hỗn hợp, nhóm cuối cùng đã tạo ra thứ họ cần. Tháng 6/1973, Sharp đưa Elsi Mate EL-805 ra thị trường. Với một màn hình LCD và 5 IC, nó chỉ dày 2,1cm (mỏng hơn 12 lần so với đối thủ gần nhất); năng lượng tiêu thụ bằng 1/9000, dùng được 100 tiếng chỉ với một lần sạc; nặng 200 gram (nhẹ hơn 125 lần). Năm 1985, Sharp bán tổng cộng hơn 200 triệu máy tính bỏ túi.
Hãng tiếp tục nghiên cứu công nghệ LCD. Sau khi IBM tìm ra công nghệ hiển thị dựa trên silicon TFT-LCD như thay thế tiềm năng cho CRT, Sharp cũng nỗ lực để cho ra phiên bản riêng. Năm 1987, họ vượt qua các đối thủ cạnh tranh LCD khi sản xuất thành công màn hình LCD 14 inch đủ màu. Năm 1991, công ty giới thiệu TV treo tường đầu tiên, 9E-HC1. Mọi người nhận ra công nghệ điện khí hóa này là tương lai và nó bắt đầu thay thế CRT trong TV và các màn hình khác.
Tuy nhiên, vị thế của Sharp trên thị trường LCD lại đối nghịch với các mảng còn lại. Những năm 1990, kinh tế Nhật Bản suy yếu do đồng yên mạnh, lương tăng và ảnh hưởng của thuê ngoài sản xuất đã tác động đến hướng đi của những doanh nghiệp điện tử lớn. Thiết bị nhập khẩu giá rẻ thách thức các sản phẩm cũ kỹ như máy fax, máy tính, lò vi sóng. Để thay thế, Sharp tung ra loạt sản phẩm mới hơn như máy quay cầm tay và tương đối thành công nhưng chưa đủ.
Năm 1998, lợi nhuận ròng của Sharp giảm xuống 24,8 tỷ yên, tương đương mức giảm 50% theo năm. Kết quả tồi tệ khiến chủ tịch phải từ chức. Tấm nền LCD và các sản phẩm liên quan đến LCD đóng góp 30% doanh thu cho công ty. Năm 1998, tân Chủ tịch Katsuhiko Machida đã tìm cách sắp xếp lại Sharp và định vị lại hoạt động kinh doanh LCD.
Trong cuộc họp báo đầu tiên, ông nói: “Vấn đề của Sharp là nhận thức về thương hiệu thấp. Để xây dựng thương hiệu, chúng ta phải tạo ra một "bộ mặt rõ ràng" cho khách hàng. Để đạt được điều này, chúng tôi sẽ đặt công nghệ LCD làm khuôn mặt của mình. Từ bây giờ, mọi sản phẩm của Sharp sẽ liên quan đến công nghệ LCD”.
Việc chuyển hướng của Sharp khá rủi ro xét tới cạnh tranh căng thẳng từ phần còn lại của châu Á như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Song, Sharp rất tự tin vào công nghệ LCD của mình. Họ đã loại bỏ mảng kinh doanh TV CRT và chuyển toàn bộ sang LCD, ra mắt thương hiệu AQUOS TV.
Quyết định táo bạo ấy đã được đền đáp. Năm 2001, AQOUS nhanh chóng nắm 80% thị phần TV LCD toàn cầu, mang về doanh thu gần 400 triệu USD. Sharp dường như vẫn duy trì vị trí của mình ngay cả sau năm 2001, khi một số doanh nghiệp khác như Sony, Samsung và LG tiếp bước gia nhập thị trường.
Năm 2004, Sharp chiếm thị phần số 1 với 33%. Tuy nhiên, Samsung đã tăng tốc nhanh hơn bất kỳ ai có thể dự đoán. Đầu năm 2002, công ty Hàn Quốc bất ngờ là hãng đầu tiên sản xuất LCD thế hệ thứ năm.
Để củng cố vị trí, Sharp đầu tư hàng tỷ yên vào nhà máy TFT-LCD mới trên khắp Nhật Bản, quy mô nhất phải kể đến nhà máy Kameyama ở thành phố Kameyama thuộc tỉnh Mie. Nó đại diện cho ván cược vào sản xuất trong nước, ngược lại với ngày nay, khi nhiều công ty Nhật Bản đã chuyển việc sản xuất LCD sang các nước rẻ hơn.
Chủ tịch Machida và ban lãnh đạo tin vào tính ưu việt của công nghệ Sharp và sản xuất trong nước sẽ giúp giữ bí mật công nghệ. Truyền thông địa phương ca ngợi nhà máy là hình mẫu của sản xuất Nhật Bản. Sharp xem tấm nền là sản phẩm cao cấp. Dù vậy, hàng tỷ yên đổ vào nhà máy này đã làm tình hình tài chính của Sharp căng thẳng.
Điều không may là nhà máy đi vào hoạt động cùng thời điểm với các nhà máy khổng lồ khác của đối thủ như AU Optronics, Samsung, Sony, LG. Ngành công nghiệp tấm nền LCD rơi vào trạng thái dư cung. Năm 2004, tấm nền TV 32 inch có giá 865 USD nhưng đến năm 2011 chỉ còn 149 USD. Xuyên suốt những năm 2000, thị phần TV của Sharp giảm từ 80% xuống dưới 10%. TV LCD ngày một rẻ.
Do đó, Sharp thông báo sẽ bán tấm nền LCD cho các doanh nghiệp khác. Năm 2004, Chủ tịch Machida phát biểu: “Một nửa sản phẩm của chúng ta sẽ bán cho các nhà sản xuất TV LCD, phần còn lại dùng cho TV riêng của chúng ta. Kế hoạch như vậy sẽ đạt được nếu chúng ta tiếp tục đầu tư vào công suất”.
Kế hoạch này đòi hỏi đầu tư mạnh hơn, dẫn đến giai đoạn hai của nhà máy Kameyama. Để có tiền trang trải, Sharp giảm ngân sách đầu tư vào đồ gia dụng. Năm 2006, LCD chiếm một nửa doanh thu của tập đoàn. Trong năm tài khóa kết thúc tháng 3/2008, Sharp ghi nhận doanh số cao kỷ lục 34,5 tỷ USD và lợi nhuận 1 tỷ USD. Nhưng đây không phải nguồn tiền khỏe mạnh. Ông Machida muốn bán 50% cho khách hàng bên ngoài nhưng con số thực tế không vượt quá 20%. Ngoài ra, với cạnh tranh từ Hàn Quốc, Trung Quốc, khoản tiền đầu tư khổng lồ vào sản xuất LCD không đạt hiệu quả mong muốn.
Năm 2007, Chủ tịch Machida từ chức và thay thế bằng Mikio Katayama. Tuy nhiên, ông Machia vẫn duy trì sức ảnh hưởng của mình. Cả hai chịu trách nhiệm cho thương vụ khiến Sharp tê liệt. Trong năm này, Sharp thông báo sẽ xây hàng loạt nhà máy mới ở Sakai trị giá 3,4 tỷ USD, hơn cả Kameyama.
Tháng 2/2008, Sony công bố thảo thuận với Sharp, trong đó Sony nắm 33% cổ phần sở hữu các nhà máy Sakai, sau này đổi tên thành Sharp Display Products. Tuy nhiên, Sharp thất bại trong việc quản lý quan hệ giữa các bộ phận TV và tấm nền. Sony cũng không thực hiện cam kết mua 33% của mình – họ chưa bao giờ sở hữu quá 7% - và cuối cùng bán lại cổ phần cho Sharp. Sharp cố bán tấm nền lớn của Sakai cho Mỹ nhưng không thành công.
Sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Doanh số bán hàng giảm sâu, thua lỗ tăng lên. Tháng 3/2009, Sharp lỗ ròng lần đầu kể từ khi niêm yết năm 1956. Ban lãnh đạo thừa nhận sai lầm khi đầu tư vào sản xuất trong nước nhưng vẫn tiếp tục rót tiền vào Sharp Display Products (đã đổi tên thành Sakai Display) và giữ LCD ở vị trí trung tâm chiến lược, bất chấp mảng kinh doanh TV xấu đi, chỉ còn chiếm 6-7% thị phần năm 2009. Samsung lúc này dẫn đầu với 18,8%.
Doanh số năm tài khóa kết thúc tháng 3/2012 của Sharp giảm 10 tỷ USD từ năm 2008, lỗ ròng hơn 5 tỷ USD và gần như phá sản. Chủ tịch Katayama từ chức, mở đường cho Takashi Okuda. Đây là lúc “gã khổng lồ” Foxconn nhảy vào và mua 9,9% cổ phần Sharp với giá khoảng 854 triệu USD. Cùng lúc này, Sony, Toshiba và Hitachi sáp nhập các bộ phận LCD với nhau thành Japan Display Inc (JDI). JDI và Sharp cạnh tranh trong vài năm, dẫn tới thiệt hại cho cả đôi bên.
Dù sở hữu sức mạnh công nghệ, Sharp cũng bỏ lỡ nhiều chuyển đổi quan trọng trong ngành như công nghệ LED và OLED. Tháng 3/2013, sau khi công bố khoản lỗ 5 tỷ USD, cả ba nhà lãnh đạo và cựu lãnh đạo - Katayama, Machida và Okuda - rời khỏi vị trí của họ. Công ty không bao giờ lấy lại được vị thế của mình trên thị trường LCD lẫn điện thoại di động. Apple vượt lên dẫn đầu với iPhone.
Năm 2016, sau ba năm khó khăn, Sharp chấp nhận đề nghị mua lại 66% cổ phần từ Foxconn với giá 3,8 tỷ USD. Dù một số đối tác khác xuất hiện, bao gồm cả những bên do Chính phủ Nhật Bản lựa chọn, những chủ nợ của Sharp vẫn quyết định chọn Foxconn. Thương vụ đánh dấu lần đầu tiên một hãng điện tử hàng đầu Nhật Bản rơi vào tay nước ngoài. Đây là cái kết buồn cho công ty bề dày lịch sử trăm năm.
Hậu thâu tóm, Foxconn bổ nhiệm Tai Jeng Wu – một người Đài Loan – làm CEO Sharp. Ông tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, đóng cửa các mảng kinh doanh nước ngoài thua lỗ, sa thải nhiều nhân viên và chuyển sản xuất ra khỏi Nhật Bản. Trong năm đầu tiên dưới sự lãnh đạo mới, Sharp đã có lợi nhuận dù nhỏ sau 4 năm.
Tai Jeng Wu định hướng để Sharp quay lại sản xuất những sản phẩm điện tử tên tuổi như nhiều năm trước. Foxconn cũng tái xây dựng lại hoạt động kinh doanh chất bán dẫn khô héo của Sharp, bao gồm nhà máy đúc chip 130nm. Tháng 2/2022, Tai từ chức và giao nhiệm vụ cho Wo Po Hsuan.
Sharp trở thành “ông lớn” điện tử không phải vì sở hữu công nghệ tốt nhất mà biết dùng công nghệ để sản xuất đúng sản phẩm vào đúng thời điểm. Khi lún sâu vào LCD, Sharp bám vào niềm tin vào sự ưu việt của mình dù tấm nền hóa ra là ngành kinh doanh tàn nhẫn, tỷ suất lợi nhuận thấp, không ổn định. Với lịch sử 100 năm, không rõ chúng ta có thể chứng kiến Sharp vươn đến đỉnh vinh quang hay không.
Thiết kế: Ngọc Nguyễn