Tại lễ trao giải Bobards d'Or (Trò chơi khăm vàng) vừa diễn ra ở thủ đô Paris, Pháp, do Quỹ Polemia tổ chức, một số tin giả lố bịch nhất trong vài năm trở lại đây đã bị "bêu gương" và trao tượng vàng Pinocchio, bắt chước theo lối trao giải Oscars danh giá của làng điện ảnh thế giới.
Giải Bobards d'Or được trao ở 3 hạng mục, gồm "trò chơi khăm truyền thống" dành cho các tin tức về nội bộ nước Pháp, "trò chơi khăm quốc tế" cho những tin tức về nước ngoài và "trò chơi khăm Áo vàng" cho cách truyền thông phản ánh về phong trào biểu tình chống chính phủ đang diễn ra tại Pháp. Fiorina Lignier, một người biểu tình Áo vàng bị mất một mắt vì trúng đạn khói của cảnh sát trong khi tham gia tuần hành, thậm chí được mời tới tham gia ban giám khảo.
Trong số 15 ứng viên ban đầu, đã được rút gọn danh sách qua một cuộc bỏ phiếu trực tuyến, ban giám khảo đã chọn ra 3 cái tên cuối cùng. Rốt cuộc, đối tượng chiến thắng ở hạng mục "trò chơi khăm vàng quốc tế" là kênh truyền hình quốc gia Pháp France 2 với tin không có thật về người đứng đầu Điện Kremlin.
Ảnh chụp màn hình về việc kênh France 2 đưa tin không có thật về việc Tổng thống Nga Putin săn hổ hồi tháng 8/2018. Ảnh: RT |
Hồi tháng 8/2018, France 2 có đưa tin về những thói quen nghỉ dưỡng xa xỉ của các lãnh đạo thế giới, bao gồm cả việc Tổng thống Nga Putin đã tham gia một cuộc săn hổ. Kênh truyền hình Pháp thậm chí còn công bố các bức ảnh chứng minh điều này, trong đó có bức chụp ông Putin đang đặt tay lên một con hổ nằm bất động trên thềm rừng, hàm chỉ việc ông đang khoe chiến tích.
Tuy nhiên, sự thật không đúng như vậy. Theo báo RT, các bức ảnh được lấy lại từ một bản tin năm 2008 về một chương trình bảo tồn hổ quốc gia của Nga. Ông Putin thực tế đang tham gia các hoạt động chống lại việc giết hại loài động vật đang bị đe dọa. Trong một động thái nhằm hỗ trợ nỗ lực bảo tồn, ông đã đeo vòng theo dõi bằng định vị GPS cho một con hổ.
Một trong những bức ảnh France 2 trích dẫn sai thực tế chụp ông Putin đang giúp đeo vòng định vị nhằm bảo vệ một chú hổ. Ảnh: Sputnik |
Khi chi nhánh báo RT tại Pháp phát hiện và thông báo cho France 2 về sai sót, kênh truyền hình này đã ngay lập tức rút bỏ tin trên khỏi trang web của họ. Song, đại diện truyền thông của France 2 quả quyết, đây không phải là tin giả mà là "lỗi vô ý".
Dẫu vậy, cách giải thích này đã vấp phải sự chỉ trích và mỉa mai của nhiều cư dân mạng. Cựu ứng viên tổng thống Pháp Jean-Luc Melenchon mô tả tin không có thật của France 2 là "chiến dịch tuyên truyền chống Nga thô lỗ, do một nhóm giả mạo khuấy động".
Quay trở lại với giải thưởng Bobards d'Or, tượng vàng ở hạng mục "trò chơi khăm truyền thống" được trao cho nhà khoa học chính trị Clement Viktorovitch vì hạ thấp số lượng người nhập cư đến Pháp trong một cuộc phỏng vấn với C News hồi tháng 10/2018.
Giải "trò chơi khăm Áo vàng" thuộc về nhà sử học truyền thông Thomas Boulouque, người tuyên bố những phần tử cực hữu đã xâm nhập vào phong biểu tình chống chính phủ Pháp vì thấy có cờ bảo hoàng tung bay trong các cuộc tuần hành. Tuy nhiên, lá cờ ông Boulouque nhắc đến hóa ra là cờ đại diện cho vùng Picardy của Pháp.
Tuấn Anh