“Hồi sinh” dòng kênh “chết”
Trong tâm thức của những người từng sinh sống và làm việc tại TP.HCM, Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong những con kênh liên quận ô nhiễm bậc nhất, tưởng như khó có sinh vật nào có thể tồn tại.
Để chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch, UBND TP.HCM đã thiết kế dự án Vệ sinh môi trường. Giai đoạn 1 được triển khai từ năm 1999 - 2012 với tổng mức đầu tư 276,24 triệu USD, trong đó có vốn vay của Ngân hàng Thế giới là 246,24 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách là 30 triệu USD. Ban quản lý đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM được giao làm chủ đầu tư.
Trải qua không ít khó khăn, nhưng với sự đồng thuận của người dân, nhất là trong vấn đề di dời, bàn giao mặt bằng, đến năm 2012, giai đoạn 1 đã hoàn thành với 33 gói thầu. Trong đó gói thầu đầu tiên (lắp tuyến cống bao đường kính 2,5m - 3m, dài 8.900 m dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) được khởi công vào tháng 3/2003.
Tiếp đó là 11 gói thầu đào đường lắp đặt 70km tuyến cống thoát nước các loại nhằm thu gom nước thải từ hộ dân đưa vào tuyến cống bao. Gói thầu xây dựng trạm bơm nước với công suất 64.000m3/giờ. Gói thầu số 10 đã nạo vét hơn 1,1 tấn bùn, đóng hơn 16.000m cừ bê tông kè hai bên bờ kênh; mở rộng khoảng 63,3 km cống cấp 3 để đấu nối các hộ dân, chủ yếu là những hộ dân trong khu vực dự án có thu nhập thấp chưa đấu nối vào hệ thống cống chung.
Cùng với đó, thành phố đã đầu tư hơn 554 tỷ đồng cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa (mở rộng mặt đường rộng từ 7m lên đến 9m với tổng chiều dài 15km, từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu Nguyễn Hữu Cảnh) nhằm tạo cảnh quan đẹp, giao thông thông thoáng trên toàn tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Hiện nay, dọc 2 tuyến kênh này là cảnh buôn bán nhộn nhịp, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân sống dọc 2 bên đường.
Sau gần 10 năm triển khai, vào ngày 18/8/2012, công trình xây dựng, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc kênh được khánh thành, đánh dấu sự hồi sinh của dòng kênh hơn 20 năm “chết”. Giờ đây, cá đã bơi lội trên dòng kênh xanh mát. Thành phố cũng đã phát triển loại hình du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bước đầu đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước khi dự án thi công |
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi dự án thi công |
Nỗ lực cải tạo môi trường, nâng cao ý thức người dân trong giai đoạn 2
Phát huy những thành quả đã đạt được từ giai đoạn 1, ngày 24/2/2017, UBND TP.HCM khởi công gói thầu XL-1 “Thi công tuyến cống bao” thuộc dự án Vệ sinh môi trường giai đoạn 2 với sự tham dự của của ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Tại đây, ông Ousmane Dione cho biết, dự án này tiếp nối thành công dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 1. Trong 20 năm qua, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ cho thành phố về vốn đầu tư, kỹ thuật tập trung vào nâng cấp đô thị, nước sạch, vệ sinh môi trường, quỹ tài chính hạ tầng và cải thiện hệ thống thoát nước đô thị; qua đó góp phần cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người dân như làm sạch và nâng cấp tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hoá - Lò Gốm.
Tại Quyết định số 4907/QĐ-UBND ngày 4/10/2014, UBND TP.HCM phê duyệt đầu tư dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 11.132 tỷ đồng (tương đương 524 triệu USD), trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới là 450 triệu USD, vốn đối ứng của ngân sách thành phố là 1.572 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 - 2020. Mục tiêu dài hạn của giai đoạn 2 là: Cải thiện, nâng cao sức khoẻ của người dân TP.HCM; khôi phục bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực sông Đồng Nai; cải tạo, chỉnh trang và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân thành phố, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế cho thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Sau khi xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào vận hành toàn bộ dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 được kỳ vọng sẽ được xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường.
Dự án bao gồm 3 hợp phần chính. Trong đó, hợp phần 1 xây dựng tuyến cống bao từ giếng bờ Đông đến nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè Quận 2 (dài 8km). Hợp phần 2 xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc Thị Nghè (công suất thuỷ lực đến năm 2020 đạt 480.000 m3/ngày và 34.000 m3/h) và hợp phần 3 xây dựng mạng lưới công thoát nước cấp 2, cấp 3 và hệ thống đấu nối hộ gia đình tại Quận 2.
Trước những nỗ lực của thành phố, người dân bày tỏ hy vọng môi trường sẽ tiếp tục được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao, mục tiêu xây dựng TP.HCM “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” sẽ sớm thành công.
(Nguồn: Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM)