|
Vaip luôn là kênh phải phản biện hiệu quả cho các chính sách CNTT-TT |
Liên tục nhiều năm qua, VAIP thường xuyên tham gia góp ý kiến các Luật, các văn bản dưới Luật về CNTT-TT (các nghị định, thông tư liên quan) do Đảng, Quốc hội, chính phủ và các Bộ, ngành chủ trì, chẳng hạn như góp ý sửa đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến chính sách thuế đối với ngành CNTT, Nghị định về quản lý đầu tư CNTT...
Một trong những “dấu ấn” lớn nhất của VAIP trong hoạt động phản biện chính là cùng các Hội Tin học thành viên các Hiệp hội liên quan như Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), và Hội Tin học TP.HCM (HCA) thẳng thắn kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, điều chỉnh của dự thảo Đề án “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT” (gọi tắt là Đề án Tăng tốc). Một loạt ý kiến phản biện đã được đưa ra như Đề án tăng tốc chưa xác định rõ khái niệm nước mạnh về CNTT của Việt Nam là mạnh về cái gì, nên đưa ra các mục tiêu dàn trải, thiếu trọng điểm; tiêu chí đánh giá nước mạnh dựa vào đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc (ITU) là không phù hợp, nên có tiêu chí của riêng mình; tỷ trọng đầu tư trong đề án quá lệch, bỏ sót một số lĩnh vực cần đẩy mạnh như nhân lực, công nghiệp phần mềm…. Nhiều ý kiến trong số đó đã được Bộ TT&TT ghi nhận. Đích thân Bộ trưởng Bộ TT&TT lúc đó đã khẳng định Đề án sẽ đưa ra tiêu chí xếp hạng dựa trên thế mạnh của chính mình, còn xếp hạng của quốc tế vẫn đặt ra nhưng chỉ để tham khảo; mặt khác, sẽ dồn sức phát triển 2 lĩnh vực then chốt là nguồn nhân lực và hạ tầng, cơ cấu đầu tư cũng sẽ thay đổi, đào tạo sẽ không chỉ chiếm 0,15% như trong dự thảo Đề án.
Một dấu ấn đặc biệt khác là VAIP đã “dám” phản biện lại cả đánh giá quốc tế về Việt Nam. Tháng 5/2010, sau khi Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) công bố Báo cáo cho biết tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam vẫn ở mức cao, VAIP đã tổ chức hẳn một Toạ đàm, nêu rõ những ý kiến phản biện lại những kết quả chưa xác đáng về CNTT Việt Nam trong báo cáo của BSA. Toạ đàm này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng CNTT-TT Việt Nam. Không biết có phải do vấp phải phản ứng mạnh của cộng đồng CNTT-TT Việt Nam hay không mà sau “sự kiện” này, BSA đã huỷ bỏ việc tổ chức họp báo công bố Báo cáo thường niên tại Việt Nam.
Cần lưu ý, những ý kiến đóng góp, phản biện của VAIP đều là “công sức tập thể” của rất nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường học… và đều thể hiện rõ những nhu cầu, khuyến nghị đầy tính thực tiễn, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng CNTT-TT Việt Nam.
Tuy nhiên, tư vấn phản biện là một công việc đầy chông gai, nhiều khi đòi hỏi phải trải qua một quá trình kiên nhẫn lâu dài. Không ít ý kiến phản biện đã không được ghi nhận, tiếp thu.
Trao đổi với phóng viên BĐVN, ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký VAIP nhận xét: Dù đã có nhiều tiến bộ nhưng công tác tư vấn phản biện của VAIP vẫn chưa thực sự được các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm, chia sẻ. Các hoạt động phản biện thường vẫn xuất phát từ sức ép của cộng đồng CNTT-TT và sự nhiệt tình của một số thành viên trong VAIP.
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 145 ra ngày 5/12/2011.