Phá bỏ rào cản
Theo CNN, giải thưởng VinFuture là sáng kiến đáng chú ý nhằm xoá bỏ nhiều rào cản, trong đó có việc tiếp cận nguồn lực đầu tư.
CNN đã dẫn lại câu chuyện về Nina Tandon – nhà sáng lập và CEO của Epibone (Mỹ) – Công ty y sinh chuyên về tái tạo xương từ tế bào gốc. Bà là nhà khoa học tiên phong nghiên cứu cách sử dụng các tín hiệu điện năng để kích thích phát triển các mô nhân tạo phục vụ việc cấy ghép tại Đại học Columbia (Mỹ). Thậm chí, bà từng biến các tế báo trích xuất từ tim của chuột thành mô đập của tim, có giá trị ứng dụng cao trong y học. Bằng phương pháp trích xuất và thiết kế các tế bào gốc nhằm tái tạo xương cho cơ thể người, kết quả này mang lại nhiều thành tựu đột phá và mang lại nhiều danh tiếng khoa học cho bà Tandon.
Trong một buổi phỏng vấn vào năm 2018, bà Tandon chia sẻ: “Tôi được khuyến khích khám phá sinh học có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như thế nào. Tôi được truyền cảm hứng và khao khát nghiên cứu bởi có những người chị bị mù màu và anh trai bị mù bóng đêm do rối loạn di truyền và hàng ngàn bệnh nhân khác. Họ cần những giải pháp chữa trị phù hợp với khả năng kinh tế.”
Trong thành công của Nina Tandon, nhiều quỹ và học bổng như Học bổng Ted, Học bổng Fulbright… đã tài trợ để thúc đẩy bà khám phá thế giới học thuật y sinh.
Vì thế, Giải thưởng VinFuture cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực bởi tạo ra “sân chơi” khuyến khích các nhóm yếm thế phá bỏ rào cản và tiếp cận nguồn lực như tài chính...
Hàng năm, một giải thưởng lớn VinFuture Grand Prize trị giá 3 triệu USD sẽ được trao cho tác giả của các nghiên cứu đột phá, các sáng chế công nghệ đã được chứng minh có khả năng làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn và cải thiện môi trường sống bền vững cho những thế hệ tương lai.
Bên cạnh đó, hướng tới sự đa dạng, sự công bằng về cơ hội và hướng tới tương lai, VinFuture cũng trao 3 Giải Đặc biệt mỗi giải trị giá tương đương 500.000 USD cho tác giả của những phát minh trong các lĩnh vực mới; nghiên cứu/sáng chế đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nữ.
Bài báo quảng bá Giải thưởng VinFuture đăng tải trên CNN |
Với viêc cam kết bỏ ra 100 triệu đô la Mỹ, tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và là nhà sáng tập Tập đoàn Vingroup - Ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân, Bà Phạm Thu Hương hướng đến tâm nguyện trong thư ngỏ về giải thưởng: “Tạo nên sự thay đổi tích cực để mang tới một cuộc sống tốt hơn cho mọi người. Đó luôn là mục tiêu của chúng tôi - trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống.”
Với tầm nhìn toàn cầu và hướng đến mục tiêu khoa học phụng sự nhân loại, tiêu chí của giải thưởng nhằm vinh danh các tiến bộ trong khoa học công nghệ phù hợp với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Đó là các vấn đề xóa nghèo, chấm dứt nạn đói, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội hưởng thụ nền giáo dục tiến bộ, nước sạch, năng lượng tái tạo, giảm bất bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Bà Nguyễn Thục Quyên, giáo sư tại khoa Hóa học - Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, là đồng chủ tịch Hội đồng Tư vấn của VinFuture. Theo CNN, bà Quyên ủng hộ tầm nhìn của quỹ với mục tiêu khoa học và công nghệ cần được tiếp cận đến số đông. “Có rất nhiều công nghệ và đột phá tuyệt vời nhưng chúng chưa được phổ cập toàn diện tới những người có hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ, vẫn còn hơn 800 triệu người không được tiếp cận với điện trên toàn cầu”, bà Thục Quyên nhấn mạnh.
Giải thưởng nhận được sự đón nhận trên toàn cầu
Bà Lê Mai Lan – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Đại diện Uỷ Quyền của Quỹ VinFuture chia sẻ, VinFuture đã nhận được hơn 700 đăng ký tham gia tìm kiếm dự án gửi đề cử từ các cá nhân và tổ chức uy tín.
CNN dẫn lời Bà Lan: “Đây là con số thực sự ấn tượng, tiếp thêm niềm tin vào ý nghĩa phụng sự nhân loại và sự ‘đúng thời điểm’, ‘đúng nhu cầu’ của VinFuture, cũng như sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng khoa học thế giới là các Viện Khoa học, các trường Đại học, các Vườn ươm công nghệ…”
VinFuture cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các nhà khoa học từ các trường Đại học, các Viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như Đại học Harvard (Mỹ) – nơi quy tụ rất nhiều nhà khoa học danh giá; Viện Sức khoẻ Quốc gia Mỹ (NIH, Mỹ) - cơ quan đầu não của chính phủ Mỹ phụ trách sức khỏe cộng đồng; Đại học Cambridge-Đại học Oxford, nơi vốn nổi tiếng trong nghiên cứu về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, cũng là nơi có nhiều nhà khoa học đã được trao giải Nobel; Hiệp hội Max Planck (Đức) - tổ chức nghiên cứu danh tiếng hàng đầu thế giới về khoa học và công nghệ; Đại học Tokyo- tổ chức giáo dục đại học uy tín hàng đầu của Nhật bản và Viện Hàn lâm khoa học Trung quốc, một trong những tổ chức khoa học có uy tín và quy mô lớn nhất toàn cầu.
Hội đồng Giải thưởng đã họp phiên toàn thể lần thứ Nhất vào ngày 20 tháng 1 năm 2021, thống nhất các đề cử sẽ được tìm kiếm từ mọi quốc gia trên phạm vi toàn cầu. |
Giáo sư Jennifer Tour Chayes, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture và cũng là Phó hiệu trưởng Trường Máy tính, Khoa học Dữ liệu và Xã hội, Đại học California, Berkeley, Mỹ chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, theo thời gian, giải thưởng VinFuture sẽ vươn tới quy mô và có tầm vóc lớn. Tôi hi vọng VinFuture sẽ có vị thế và sánh vai với các giải thưởng lớn hiện nay như Giải Field Medal cho lĩnh vực Toán học hay Giải Turing trong lĩnh vực khoa học máy tính”.
Sứ mệnh giải thưởng của VinFuture đã tạo tiếng vang cộng hưởng với sự mệnh của tập đoàn Vingroup - “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”. Trong vai trò tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup hiện đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh trải dài từ bất động sản nhà ở, bán lẻ, y tế, giáo dục, công nghệ và ô tô. Những chiếc ô tô điện thông minh mang thương hiệu VinFast sẽ được bán ra thị trường Mỹ, Canada và châu Âu trong năm tới với nhiều công nghệ tân tiến.
(Tổng hợp từ CNN)