-Cổ phần hóa có thể xóa bỏ sự tồn tại của phong bì, của nhập nhằng biến tướng theo kiểu hàng trăm bệnh viện tư nhỏ trong một bệnh viện công hiện nay.
Sau đau đớn, Bộ trưởng Tiến cần làm gì?
Trong cuộc họp Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 09 về vấn đề bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến đã có nhận định tổng thể dựa trên chính sách về an sinh xã hội rằng “bức tranh ngành y tế không hẳn màu xám” (Tuổi trẻ, 12/9/2013).
Di sản y tế để lại nhiều năm?
Người viết nhất trí với nhận định của Bộ trưởng, nhưng trên một khía cạnh khác. Nhiều yếu điểm và bất cập của ngành bộc lộ trên hầu khắp các lĩnh vực và chuyên ngành, từ y đức, nhân lực, năng lực, trách nhiệm, thuốc và trang thiết bị. Tuy nhiên điểm sáng nhất là một di sản được để lại từ rất nhiều năm. Đó là cấu trúc mạng lưới chăm sóc sức khỏe.
Ảnh: Cẩm Quyên |
Đặc thù của cấu trúc này là hệ thống y tế công được phân cấp theo quản lý hành chính từ trung ương đến địa phương. Tuyến xã có trạm y tế xã, tuyến huyện có các trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện, và trung tâm y tế dự phòng, tuyến tỉnh có bệnh viện đa khoa một số bệnh viện chuyên khoa và nhiều trung tâm, tuyến trung ương có các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa.
Ngoài ra còn có các bệnh viện vùng và khu vực. Ngay cả những nước đang phát triển như Malaysia, hay đã phát triển như Mỹ, Canada cũng không có được cấu trúc này, đặc biệt là tuyến xã. Hơn thế nữa, cấu trúc này tại Việt Nam lại được tăng cường mạnh hơn rõ rệt bởi mạng lưới cộng tác viên y tế, dân số, và y tế thôn bản phủ khắp mọi khu vực, kể cả vùng sâu vùng xa.
Một số nghiên cứu gần đây tại hệ thống y tế cơ sở, được tài trợ bởi Atlantic Philanthropies, Quỹ dân số Liên hợp quốc… cho thấy những điểm tốt nhất của y tế cơ sở là chất lượng khám phát hiện bệnh ban đầu với các bệnh thông thường, mục đích phục vụ tại tuyến y tế cơ sở, và việc triển khai các chương trình y tế mang tính dự phòng như tiêm chủng mở rộng, chăm sóc ban đầu sức khỏe BMTE/KHHGD, và phát hiện dịch.
Trong bài báo trước, người viết đã đề cập tới 05 ưu tiên cần thực hiện cấp độ 01: 1)Thay đổi quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân bằng quan hệ người cung cấp dịch vụ và khách hàng, thay đổi quan niệm hàm ơn - ban ơn và chấm dứt nạn phong bì vô điều kiện. 2) Quy trách nhiệm, quyền hạn bằng văn bản đến từng cá nhân cán bộ công nhân viên của ngành, từ vị trí lãnh đạo đến nhân viên, tại tất cả các cơ sở công và tư.
3) Chấm dứt hoặc xiết chặt tình trạng làm việc “công tư lẫn lộn”. 4) Tổng kiểm tra toàn bộ các cơ sở hành nghề y tế tư nhân và thiết lập cơ chế theo dõi, giám sát và đánh giá thường kỳ. 5) Yêu cầu tất cả các cơ sở y tế các cấp, và các cơ sở y tế tư nhân minh bạch các thông tin về hoạt động khám chữa bệnh, các dịch vụ được cung cấp, năng lực, quyền hạn, và trách nhiệm mỗi cơ sở y tế.
Trong 05 ưu tiên này, ưu tiên số 01 đóng vai trò mấu chốt, đưa ngành y tế trở về đúng vị trí, đặt dưới sự giám sát của người dân, công bằng với các ngành nghề khác của xã hội theo mệnh đề nhận thức “tất cả mọi ngành nghề đều cao qúy” hay “không có nghề nào cao qúy hơn các nghề khác”. Toàn bộ các ưu tiên này, ngành y tế hoàn toàn có thể phân cấp thực hiện bằng nội lực của chính mình, không lo đến sự phức tạp của quản lý chồng chéo.
Nạn phong bì có thể chấm dứt?
Để củng cố lại ngành y tế và định hướng phát triển cho tương lai lâu dài, song song với các nước khác trong khu vực và thế giới, người viết đề nghị 05 ưu tiên cấp độ 02.
Thứ nhất, ưu tiên chiến lược phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế cộng đồng. Như đã đề cập ở trên, cấu trúc và mạng lưới y tế Việt Nam hiện nay đặc biệt phù hợp cho thực hiện các chương trình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Cụ thể hơn, giống như hầu hết các quốc gia phát triển, chúng ta cần xây dựng và thử nghiệm hệ thống bác sỹ gia đình và hệ thống đặt lịch hẹn đến khám, đồng thời sử dụng các biện pháp tuyên truyền để khuyến khích người dân khám bệnh định kỳ thay vì chỉ khi đã phát hiện bệnh nặng.
Việc sẵn có nguồn lực từ y tế thôn bản và cộng tác viên dân số và y tế có thể là một tiền đề quan trọng cho thử nghiệm này. Mô hình phục vụ sẽ bao gồm sự kết nối từ hệ thống bác sĩ gia đình, hệ thống y tế tư nhân, hệ thống bác sĩ chuyên khoa, và hệ thống bệnh viện.
Mô hình này sẽ giúp giảm tải rõ rệt tại các bệnh viện, và đặc biệt sẽ sử dụng tốt nhất quyền lợi của bảo hiểm y tế của người dân. Các nghiên cứu hệ thống y tế cơ sở đã nói ở trên chỉ ra rằng khối lượng công việc của tuyến này là rất nặng. Và sự tăng cường chống quá tải thực ra nên làm ở tuyến này, chứ không phải các bệnh viện đầu ngành.
Thứ hai, tiếp tục thử nghiệm và tiến hành cổ phần hóa các bệnh viện công. Năm 2006, đề án cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân và một số bệnh viện khác tại t/p Hồ Chí Minh nhận được rất nhiều kỳ vọng, tuy nhiên đề án này đã bị dừng lại. Các lý do đưa ra bao gồm sự chệch hướng trong chăm sóc sức khỏe người dân, thất thoát tài sản công, không công bằng phân chia lợi nhuận…
Nhiều ý kiến cho rằng ngay cả các nước tiên tiến cũng không cổ phần hóa bệnh viện công, nơi thể hiện vai trò của chính phủ trong việc điều tiết các lợi ích xã hội mà toàn dân được hưởng. Cần rạch ròi rằng, thực tế các nước này đã xây dựng các bệnh viện thực sự công và thực sự tư nhân từ lâu, nên hoàn toàn không cần đến cổ phần hóa.
Việc thực hiện cổ phần hóa cũng là tạo sân chơi sòng phẳng cho hệ thống công và tư, cạnh tranh lành mạnh về chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện quản lý nhân sự chặt chẽ, đảm bảo công bằng hơn về mặt chuyên môn cho cán bộ y tế, không còn cơ chế độc quyền xin cho và phục vụ tối đa trong phạm vi cho phép các nhu cầu của người bệnh.
Chính sự cổ phần hóa có thể xóa bỏ sự tồn tại của phong bì, của nhập nhằng biến tướng theo kiểu hàng trăm bệnh viện tư nhỏ trong 01 bệnh viện công hiện nay.
Thứ ba, định dạng lại và chuẩn hóa quá trình đào tạo bác sĩ. Hiện tại, sinh viên y khoa được đào tạo 06 năm trong trường đại học, và được cấp bằng bác sĩ sau khi tốt nghiệp. Vấn đề là tấm bằng bác sĩ này (thế giới gọi là medical doctor, hay doctor of medicine, hay tiến sĩ y khoa) là tấm bằng cực cấp hoặc chuyên nghiệp của y học, mặc dù có rất nhiều phiên bản đào tạo khác nhau trên thế giới.
Ví dụ, một sinh viên vừa rời trường phổ thông tại Mỹ và Canada phải trải qua 04 năm học đại học tiền y khoa (pre-med school), sau đó là 4- 5 năm học đại học y khoa, tiếp theo là 03 năm nội trú tại cơ sở thực hành y học, tổng cộng là 11-12 năm, để có thể có được bằng hành nghề bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ đa khoa.
Tại Pakistan, sau 06 năm học, sinh viên tốt nghiệp chỉ được cấp bằng cử nhân y khoa (bachelor of medicine) và phải tiếp tục thi tuyển cho đào tạo chuyên khoa. Tại Thái lan, sau 06 năm, sinh viên tốt nghiệp phải trải qua 01 năm thực tập và 02 năm thực hành tại khu vực vùng sâu trước khi nhận bằng bác sĩ.
Chính vì vậy, tấm bằng bác sĩ của Việt Nam, đúng ra chỉ nên được gọi là cử nhân y khoa, hoàn toàn không được công nhận ở hầu hết các quốc gia khác, và thực tế trình độ cũng khập khiễng để so sánh.
Sau khi có bằng bác sĩ, ngành y còn có rất nhiều bằng cấp khác như chuyên khoa định hướng, chuyên khoa 01, chuyên khoa 02, hoặc thạc sĩ, tiến sĩ, mà không mấy ai có thể phân định rạch ròi giá trị, sự khác biệt, trách nhiệm, và quyền hạn của những tấm bằng này như thế nào, đặc biệt là so sánh chúng với thế giới ra sao.
Cũng liên quan đến vấn đề đào tạo, hệ thống đào tạo điều dưỡng lại dễ làm hơn nhiều, và rất gần với chuẩn của các quốc gia khác. Chính vì thế, ngành y và Chính phủ cần hỗ trợ hết sức các chương trình đào tạo cử nhân cải tiến trong ngành điều dưỡng, hộ sinh đang được thử nghiệm hiện nay với sự trợ giúp của nhiều nước như Anh hay Australia, đồng thời chuẩn bị cho các chương trình đào tạo điều dưỡng sau đại học như thạc sỹ và tiến sĩ.
Thứ tư, bắt đầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe. Hệ thống này bao gồm các dữ liệu và chỉ số thống kê tin cậy qua từng năm về sức khỏe nói chung và của từng dạng bệnh lý đặc thù theo khu vực hay nhóm dân cư.
Hệ thống này liên kết với hệ thống giám sát và đánh giá cho phép Chính phủ và ngành y tế xác định các ưu tiên cần giải quyết một cách có hệ thống và các định hướng chiến lược lâu dài về xây dựng nguồn lực. Hiện tại, các dữ liệu đều mang tính chất manh mún, thiếu tin cậy, và không liên tục.
Thứ năm, ngành y tế cần tham gia trực tiếp, đảm nhận vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và thuốc. Thực tế tại mọi quốc gia, đây là vấn đề phức tạp nhất, liên quan đến rất nhiều Bộ ngành, và đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng và vận hành một cơ chế hợp lý với hoàn cảnh Việt Nam.
Mô hình của Mỹ có thể là một ví dụ tham khảo. Cục Thuốc và dược phẩm Mỹ (Food and Drug Administration), thuộc Bộ Y tế và dịch vụ con người, là cơ quan quyền lực cao nhất kiểm soát mọi tiêu chuẩn thuốc và thực phẩm lưu hành trên thị trường.
Cục này tham gia vào mọi quá trình liên quan đến thực phẩm (nguyên liệu, sản xuất, dự trữ, chế biến, phân phối..) và thuốc (từ phòng thí nghiệm, nguyên liệu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất, cấp phép, giám sát và đánh giá lưu hành…).
Có thể thấy rằng, ngành y tế cần phải và hoàn toàn có thể đảm đương hầu hết việc thực hiện các đề xuất này, trước khi yêu cầu hỗ trợ từ các ngành khác. Tất cả các đề xuất, các can thiệp đều có thể đụng chạm đến quyền lợi hiện tại của một số cá nhân, tuy nhiên quyền lợi của người dân, nhất là người nghèo, phải được đặt lên trên hết.
Nguyễn Công Nghĩa (TS, BS- Bệnh viện Phụ sản Hà Nội- Trung tâm nghiên cứu y học Propel, Đại học Waterloo, Canada)