Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an). Nguồn: An ninh Thủ đô |
Thời gian qua, sự việc xảy ra tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đã gây rúng động dư luận. Kết luận của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN cũng đã cho thấy, việc chùa Ba Vàng tổ chức lễ thỉnh vong giải oan gia trái chủ, chữa bệnh cho người dân và phật tử có nhu cầu, trong nghi thức này có việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp, quy định việc người đăng ký pháp thỉnh oan gia trái chủ buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền do vong yêu cầu, thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả lao động tại chùa Ba Vàng là không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống...
Đáng nói, lợi dụng sự việc này, một số kẻ xấu đã tung hình ảnh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới thăm chùa rồi rêu rao rằng đây là những nhân vật bảo kê, chống lưng cho các hoạt động của chùa Ba Vàng.
Về vấn đề này, PGS.TS. Lê Văn Cương cho rằng, mạng xã hội không phải là nơi mà ai muốn tung cái gì lên cũng được. Mạng xã hội, internet được xem là thành tựu của loài người, làm cho con người có thể kết nối với nhau dù đang ở cách xa nhau hàng nghìn km. Dù vậy, không gian mạng luôn phải "sạch" chứ không thể "bẩn" được.
'Việc tung hình ảnh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới thăm chùa rồi rêu rao rằng đây là những nhân vật bảo kê, chống lưng cho các hoạt động của chùa Ba Vàng... là không thể chấp nhận được, cần phải bị xử lý' (PGS.TS Lê Văn Cương) |
Hiện nay người ta sử dụng mạng cho quá nhiều mục đích, trong đó có buôn bán, trao đổi thông tin…. Dù vậy, một số kẻ lợi dụng mạng internet để xuyên tạc sự thật, bôi nhọ chế độ, thậm chí là bôi nhọ nhân phẩm của người khác…
"Việc tung hình ảnh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới thăm chùa rồi rêu rao rằng đây là những nhân vật bảo kê, chống lưng cho các hoạt động của chùa Ba Vàng... là không thể chấp nhận được, cần phải bị xử lý.
Theo tôi, từ trước tới nay, một số đồng chí lãnh đạo tham gia một số lễ hội, khánh thành các công trình của tôn giáo, của công giáo, của phật giáo…đã chứng tỏ sự quan tâm của nhà nước ta đối với hoạt động tôn giáo và các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Đất nước Việt Nam ta tự do tôn giáo tín ngưỡng.
Trước những thông tin như vậy, thứ nhất theo tôi là phải truy cứu trách nhiệm của người đưa thông tin sai lệch và có ý đồ xấu. Thứ hai, lực lượng cơ quan chức năng của chúng ta phải phản ứng nhanh, kịp thời", PGS.TS. Lê Văn Cương bày tỏ quan điểm.
Theo PGS.TS. Lê Văn Cương, việc sử dụng mạng vào mục đích xấu phải xử lý bằng hình sự. Một số quốc gia cũng như vậy. Đối với các trường hợp như vậy đất nước ta cũng phải xử lý thật nghiêm minh, công khai và có tính răn đe.
'Không gian mạng không phải là cái chợ. Vào chợ cũng phải có nội quy của nó và mỗi người đều phải có trách nhiệm, PGS.TS. Lê Văn Cương nghiêm khắc nói.
Mạng xã hội như một con đường, người tốt thì mang lại điều tốt, người xấu mang lại điều ác. Mạng xã hội lan truyền thông tin, lan truyền tới công sở, đường phố, khu chợ… mọi ngõ ngách của xã hội. Tin tốt mang hiệu ứng tích cực và tin xấu thì mang lại hệ quả vô cùng tai hại - đây là điều gây đau đầu cho các nước trên thế giới.
Đến giữa năm 2017, các đơn vị chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ 2.200 clip nói xấu bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube. Một số quan điểm từng cho rằng, hiện tượng này cần phải bị 'dập tắt', phải xử lý nghiêm minh.
Cũng đồng tình với quan điểm này, theo PGS.TS. Lê Văn Cương, hơn bao giờ hết luật pháp phải chặt chẽ. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 và qua 2 năm thực hiện Luật sẽ phải có tổng kết, đánh giá.
Tại Vương Quốc Anh, một tù nhân phá cột ATM bị xử 4 năm tù. Khi vào tù được 1 năm thì ông ta đưa ảnh tự sướng lên mạng. Sau đó thì ông này phải nhận thêm 2 năm tù nữa vì hành vi này.
Mạng xã hội không phải là nơi thích làm gì thì làm, đặc biệt là tội vu cáo, bôi nhọ người khác thì phải xử lý nặng hơn nữa. Việc các đối tượng lợi dụng, móc nối các sự việc "nóng" trong xã hội để xuyên tạc hòng kích động người dân mất niềm tin vào chính quyền. Để xử lý việc này cần phải căn cứ vào luật pháp. Truyền thông cũng phải vào cuộc để lên án việc này. Lực lượng bảo vệ an ninh trên không gian mạng không được để bị động. Cơ quan tuyên giáo cũng phải 'ra tay', nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Ông cũng khuyến cáo người dân phải có ý thức cảnh giác trước những thông tin xuất hiện trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ như hiện nay:
'Không gian mạng cũng như cuộc sống, có sự thật, có lừa đảo nên mọi người dân phải hết sức cảnh giác.
Trước những thông tin kiểu 'nửa tin, nửa ngờ' thì người dân phải tham khảo những người có trách nhiệm, những trang thông tin chính thống để dung nạp cho mình thông tin đúng đắn nhất. Người dân phải luôn đặt đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước phải đính chính, phải phản ứng ngay về những sự việc, hình ảnh sai trái trên mạng'.
Lợi dụng sự việc tại chùa Ba Vàng để xuyên tạc, chống phá - một âm mưu của các thế lực thù địch
Một số phần tử cơ hội chính trị, đối tượng cực đoan đã thêm bớt thông tin, rồi tung ra những luận điệu sai trái, mang tính phản động với âm mưu phá hoại, xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Theo Tổ Quốc