Các ưu tiên của ASCC trong năm 2023 xoay quanh chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2023 “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”. Đó đó là củng cố cấu trúc y tế, thúc đẩy phát triển nông thôn, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ và nâng cao năng lực lao động, đồng thời tăng cường phát triển hòa nhập cho người khuyết tật.

Nhiệm vụ này sẽ đảm bảo quyền của người khuyết tật thông qua việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025: Lồng ghép quyền của người khuyết tật.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, trong đó, 1,6 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

W-anhminhhoa-12.png
Ảnh minh hoạ

Năm 2023, ngân sách nhà nước đã bố trí 31,3 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 489 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.

Hằng năm, có khoảng 19 nghìn người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm, giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%. Gần 40.000 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi… Nhiều chính sách khác như: miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu vui chơi giải trí được các địa phương thực hiện với mức miễn giảm từ 25% đến 100% cho người khuyết tật

Cùng với đó, các tổ chức người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn vốn xã hội hóa, như Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 552 tỷ đồng; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị... Tất cả góp phần chăm lo đời sống và điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật.

Đáng chú ý, hơn 3.700 người khuyết tật được lập hồ sơ sức khỏe, 2.066 người được khám sàng lọc định kỳ; 1.800 người được tiếp cận và được cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, điều dưỡng phục hồi chức năng tại các cơ sở khám, chữa bệnh; 2.500 người khuyết tật được hướng dẫn tại nhà về chăm sóc sức khỏe; 3.500 người khuyết tật và người nhà được tập huấn về kỹ năng phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng tại nhà…

Các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng, 20 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường, đã thống nhất được ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Brail trong toàn quốc.

Văn Cảnh và nhóm PV, BTV