Với tầm nhìn dài hạn, Viettel muốn Việt Nam trở thành một hub trung chuyển dữ liệu quan trọng trong khu vực và loại bỏ hoàn toàn nỗi lo đứt cáp hiện nay.
Dịch vụ thông suốt
Là công ty chuyên cung cấp các giải pháp nền tảng truyền thông trên Internet, Công ty AZStack (Cầu Giấy, Hà Nội) sử dụng Internet là công cụ chính trong kinh doanh. Công việc hàng ngày gồm cả cung cấp các phiên bản trình diễn của phần mềm, cập nhật phiên bản mới, hỗ trợ kỹ thuật và xử lý sự cố nếu có. Khách hàng của công ty phần lớn ở nước ngoài. Khối lượng dữ liệu rất lớn nên việc đường truyền đòi hỏi rất cao cả về dung lượng lẫn tốc độ.
Ảnh minh họa |
“Mỗi dịch vụ của đối tác có liên quan đến hàng nghìn khách hàng của họ. Vì vậy, mọi thao tác luôn phải chi tiết và đúng hẹn. Nếu chậm cập nhật tiến độ có thể bị phạt rất nặng”, ông Mai Duy Quang, Giám đốc công ty AZStack, cho biết.
Đó cũng là lý do ông Mai Duy Quang thường đặt ra những yêu cầu rất khắt khe đối với Viettel - nhà cung cấp dịch vụ Internet cho Công ty. Tuy nhiên, trong thời gian cáp AAG sửa chữa tháng 6/2015, anh chưa một lần phải liên hệ với Viettel để phàn nàn về dịch vụ. “Mọi thứ vẫn chạy tốt, và không bị gián đoạn chút nào”, người đứng đầu công ty AZStack nói.
Nhiều khách hàng lớn của Viettel đều khẳng định dịch vụ của họ không bị gián đoạn trong thời gian có ngắt cáp AAG để bảo dưỡng 07 - 17/6/2015. Ghi nhận trên các diễn đàn công nghệ về khả năng kết nối trong thời gian sửa chữa cáp AAG, hầu hết đều khẳng định khách hàng của Viettel đều sử dụng các dịch vụ quốc tế ổn định.
Ông Mai Trí Dũng, Giám đốc TT Kinh doanh Quốc tế, TCT Viễn thông Viettel, cho biết trên thực tế, việc nâng cao lưu lượng dự phòng cho 2015 đã được Viettel tính đến và lên phương án chuẩn bị từ năm 2014. Do đó, dung lượng dự phòng luôn được chuẩn bị sẵn, khi cần dùng là có. Tất cả đều nằm trong lộ trình đầu tư, nâng cấp và định tuyến dung lượng truyền dẫn quốc tế dựa trên Quy hoạch dài hạn 15 năm về hạ tầng truyền dẫn quốc tế của Tập đoàn Viettel.
“Năm 2011 trở về trước, khi mua lưu lượng ứng cứu, đối tác có cơ hội để ép mình mua với giá đắt gấp 2 – 3 lần thông thường. Sau khi mua thêm thì phải 2-3 ngày sau mới đáp ứng được”, ông Dũng chia sẻ.
Để giải quyết khó khăn đó đồng thời chuẩn bị trước tài nguyên hạ tầng trước mắt cũng như dài hạn, Viettel đã đầu tư trở thành nhà cung cấp dịch vụ có hạ tầng quốc tế lớn nhất Việt Nam.
Đặc biệt, tuyến cáp Liên Á (IA) sau khi tiếp nhận từ EVN Telecom được Viettel đầu tư mạnh, chuyển đổi công nghệ từ 10Gbps/bước sóng lên 100Gbps/bước sóng, nâng tổng dung lượng thiết kế lên gấp 7 lần (450Gbps lên gần 3Tbps) đồng thời giảm giá thành xuống chỉ còn 1/10 trước đó.
Dung lượng dư giả giúp Viettel không chỉ đáp ứng tốt cho khách hàng của mình mà còn hỗ trợ ứng cứu dung lượng cho các nhà mạng khác khi cáp biển AAG xảy ra sự cố.
Hé lộ dự án ‘khủng’ của Viettel
Ông Đỗ Minh Phương, Tổng giám đốc - TCT Viễn thông Viettel, khẳng định: Đây là những thành quả bước đầu của chiến lược dịch chuyển từ thoại sang data của Viettel. Chiến lược được lãnh đạo Tập đoàn Viettel chia sẻ từ lâu và các đơn vị của Viettel lên lộ trình cụ thể cả về phát triển hạ tầng lẫn chiến lược kinh doanh.
Về hạ tầng, ngoài việc đã nâng cấp chuyển đổi công nghệ tuyến cáp biển Liên Á (IA) lên công nghệ 100Gbps mới nhất, tăng gấp 7 lần dung lượng thiết kế ban đầu. Trong năm 2016-2017, 2 tuyến cáp mới là APG (kết nối Việt Nam tới các HUB IP lớn nhất Châu Á) và AAE-1 (kết nối Việt Nam tới các HUB IP lớn nhất của 3 châu lục Á-Phi-Âu) sẽ đi vào hoạt động với tổng dung lượng lớn hơn nhiều các hướng sẵn có.
“Trong dự án cáp quang biển AAE-1, Viettel là doanh nghiệp duy nhất Việt Nam tham gia với mức đầu tư Tier 1, và cũng là đơn vị duy nhất chủ trì trạm cập bờ của tuyến cáp tại Việt Nam. Điều này giúp Viettel có được dung lượng và quyền lợi rất tốt khi tuyến cáp đi vào khai thác”, ông Phương nói.
Trong năm 2017 - 2018, Viettel sẽ phát triển ít nhất 2 hướng đi quốc tế nữa, kết nối tới các Hub IP lớn của thế giới như: Mỹ, Nhật, Hàn quốc, Hồng Kong, Singapore…. Hạ tầng mạng lưới sẵn có trên đường trục Đông Dương của Viettel tại Lào và Campuchia vừa đóng vai trò mạng vu hồi dự phòng, vừa là cửa ngõ để mở thêm các hướng đi quốc tế trên đất liền về phía Tây trong tương lai.
Với hệ thống như vậy, dù bất kỳ hướng cáp quang nào bị đứt cũng không ảnh hưởng tới khách hàng. Viettel không chỉ đảm bảo an toàn thông tin và các cổng Internet cho khách hàng của mình.
Doanh nghiệp này đặt tham vọng trở thành doanh nghiệp bán dung lượng truyền dẫn tin cậy, và đưa Việt Nam trở thành hub kết nối quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.
Hiện tại, Viettel đang “bán buôn” lưu lượng quốc tế cho những khách hàng ở Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, HongKong, Brunei, Malaysia... Danh sách này không ngừng được mở rộng.
Tổng Giám đốc Viettel Telecom khẳng định: “Nếu xét về vị trí địa lý, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cổng kết nối quan trọng trong khu vực. Quan trọng hơn là việc này đảm bảo an toàn, an ninh thông tin về mọi hướng cho Internet Việt Nam. Khi đó, Internet Việt Nam sẽ không còn cảnh phụ thuộc vào một tuyến cáp biển hàng năm bị đứt nữa”.
Thúy Ngà