Theo đó, Hà Nội nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2025, lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,14% so với mức phát thải năm 2025 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 6,68 triệu tấn CO2). Đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính giảm 18,71% so với mức phát thải năm 2030 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 13,76 triệu tấn CO2).
Thành phố cũng phấn đấu đạt các mục tiêu xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Tỷ lệ gia tăng các sản phẩm được dán nhãn xanh, sinh thái là 15%/năm. Các toà nhà xây mới đáp ứng tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”, mã số QCVN 09:2017/BXD (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, khu thương mại, dịch vụ, chung cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp) năm 2025 là 100%.
Hà Nội đã ban hành Kế hoạch Hành động tăng trưởng xanh Thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. |
Trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, diện tích cây xanh bình quân đầu người khu vực đô thị năm 2025 từ 7,8 đến 8,1m2/người; năm 2030 là 13-15m2/người. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2025 từ 30 đến 35%; năm 2030 là 40- 45%. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam đến năm 2025 là 100%.
Bên cạnh đó, thành phố phấn đấu tỷ lệ phân loại chất thải rắn tại nguồn đến năm 2025 là: 80% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị và 50% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn được phân loại tại nguồn. Đến năm 2030 là 100% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị và 70% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn được phân loại tại nguồn.
Tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu vực đô thị đến năm 2025 từ 45 đến 50%; đến năm 2030 là 60%.
Trong tiêu dùng bền vững, mức độ giảm tiêu thụ bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đến năm 2025 từ 70 đến 75%; năm 2030 là 85% và tại các chợ đến năm 2025 từ 65 đến 70%, năm 2030 là 80.
Tỷ lệ mua sắm công các sản phẩm xanh, sinh thái, đối với các loại hàng hóa trên thị trường có sản phẩm được dán xanh, sinh thái là 100%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND Thành phố Hà Nội đã đề ra một số giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu như: Đa dạng hóa các nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng, tuyên truyền nâng cao nhận thức; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các sản phẩm công nghiệp môi trường: các loại sản phẩm sử dụng nhiều lần, các loại bao bì tự phân hủy, pin năng lượng mặt trời, sử dụng năng lượng gió, hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải; phát triển các sản phẩm công nghiệp sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng sạch...; giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả lò hơi, thiết bị nhiệt luyện, vận động, tuyên truyền tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xanh hóa sản xuất, nghiên cứu xây dựng các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, nền kinh tế tuần hoàn, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, phát triển các mô hình sử dụng hiệu quả phế thải nông nghiệp; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững…
Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch dự kiến khoảng 9.700 tỷ đồng, trong đó sử dụng một phần từ ngân sách nhà nước, còn huy động chủ yếu từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và kêu gọi tài trợ, đầu tư từ nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ.