HĐQT Vietjet (VJC) của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố sẽ tiếp tục tạm ứng cổ tức cho cổ đông 10% bằng tiền, nâng tổng tỷ lệ cổ tức bằng tiền cho năm tài chính 2018 lên tới 30%, tương ứng số tiền mà doanh nghiệp chi trả cho các cổ đông là gần 1.625 tỷ đồng.
Trong đợt này, Vietjet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ chi gần 542 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, mức cổ tức dự kiến tỷ lệ 50% bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng cao và liên tục, nguồn tiền mặt công ty dồi dào, HĐQT Vietjet trình ĐHCĐ phương án chia cổ tức năm 2018 với tỷ lệ cao hơn, ở mức: 55%.
Vietjet có truyền thống trả cổ tức với tỷ lệ cao, từ 50-70%, bao gồm cả tiền và cổ phiếu. Với kế hoạch kinh doanh năm 2019, nhiều khả năng HĐQT VJC sẽ tiếp tục trình phương án kế hoạch cổ tức năm 2019 tỷ lệ cao tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên sắp tới.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo. |
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo gần đây đánh cược mạnh hơn vào lĩnh vực hàng không đầy tiềm năng bất chấp những biến động và rủi ro khôn lường trên thị trường. VietJet liên tục có những bước đi mạnh mẽ trong lĩnh vực hàng không dân dụng với việc tiếp tục ký kết những hợp đồng mua bán máy bay khủng.
Hồi cuối 2018, Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu Airbus đã ký kết hợp đồng đặt mua 50 tàu bay A321neo trị giá 6,5 tỷ USD nhằm hoàn thiện Biên bản ghi nhớ (MOU) được 2 bên ký kết tại Farnborough (Anh quốc).
VietJet cũng ký kết MOU về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ với công ty CFM International trị giá 5,3 tỷ USD. Hợp đồng bảo dưỡng giúp VietJet nâng cao độ an toàn đối với các chuyến bay.
Đây là một bước đi mạnh mẽ khác cho thấy tham vọng mở rộng thị phần và giữ vững vị trí số 1 tại thị trường hàng không Việt Nam của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. VietJet của nữ tỷ phú này đã ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 giá 12,7 tỷ USD hồi giữa tháng 7/2018 tại triển lãm hàng không Farnborough diễn ra ở miền Nam nước Anh.
Vietjet của bà Thảo trước đó cũng đã tính những bước đường dài bằng việc phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế trị giá nhiều ngàn tỷ đồng để mở rộng vốn đầu tư chi để phát triển kinh doanh, tăng cường khai thác năng lực vận tải hàng không.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được biết đến là người thành lập và gầy dựng thành công một hãng hàng không tư nhân vượt qua cả hãng hàng không quốc gia chỉ trong một thời gian rất ngắn. Trong vòng 5 năm, Vietjet đã trở thành doanh nghiệp có vốn hóa 100.000 tỷ đồng và chiếm 43% thị phần tại Việt Nam.
H. Tú