Nhà có 2 vợ chồng và 2 con nhỏ, nhưng nhờ biết chi tiêu khéo léo, lại có kế hoạch tiết kiệm rõ ràng nên người phụ nữ 30 tuổi này chỉ chi tiêu hết 8,2 triệu đồng/tháng và tiết kiệm được gần 7 triệu.
Đó chính là kế hoạch chi tiêu của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hoài, 30 tuổi. Hiện vợ chồng chị đang sống tại một căn nhà nhỏ trong ngõ Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo chị Thu Hoài chia sẻ: Từ khi vợ chồng chị cưới nhau đến nay đã 5 năm. May mắn là vợ chồng chị không phải thuê nhà vì bố mẹ chồng chị đã cho 2 vợ chồng 1 căn nhà nhỏ 32m2 ở trong ngõ. Dù nhà đã cũ, nhưng hàng tháng anh chị đỡ được 1 khoản tiền thuê nhà tốn kém.
Tuy nhiên, chị Hoài làm nhà nước nên lương tháng chỉ được 5 triệu. Còn chồng chị làm ngoài nên lương cao gấp đôi chị (10 triệu đồng). Như vậy, tổng thu nhập của 2 vợ chồng chị Hoài được 15 triệu/tháng. Song vì nhà có 2 con nhỏ (1 bé lên 4, 1 bé 17 tháng tuổi) nên chi tiêu nhà chị cũng đòi hỏi rất phải khéo léo. Thêm nữa, chị đang phấn đấu chi tiêu tiết kiệm để vài năm nữa có khoản tiền sửa chữa, thậm chí xây lại căn nhà nhỏ được khang trang hơn.
Vì nhà có 2 con nhỏ nên chi tiêu nhà chị Hoài cũng đòi hỏi rất phải khéo co (Ảnh minh họa) |
Kế hoạch chi tiêu 8,2 triệu đồng/tháng
1. Tiền ăn: 3.900.000đ
- Ăn sáng: 40.000đ/bữa
Hầu hết bữa sáng, chị Hoài thường nấu ăn sáng tại nhà và ăn cũng đơn giản. Lúc thì chị mua mì gạo về nấu ăn kèm trứng, thịt, giò, chả. Lúc thì chị tự nấu xôi hoặc cháo. Vì nấu tại nhà nên bữa sáng của 4 người nhà chị tiết kiệm được kha khá tiền so với ăn sáng ngoài hàng.
- Ăn bữa chính: 70.000đ/bữa
Vì bữa trưa anh chị ăn tại cơ quan nên bữa chính nhà chị là bữa chiều và ngày chủ nhật cuối tuần. Do đó, chị thường nấu 2 món chính là canh và 1 món mặn. Chẳng hạn như một món rau ăn kèm món thịt hoặc món cá (món mặn nghĩ cách tự chế biến sao cho đa dạng nhất)
- Hoa quả: 20.000đ/ngày
Với số tiền eo hẹp, chị Hoài chỉ mua hoa quả theo mùa. Chẳng hạn như chị mua táo ta, xoài ngọt, ổi, củ đậu...
Tổng 130.000đồng/ngày x 30 ngày= 3,9 triệu
2. Tiền nuôi con: 2.220.000đ
- Con lớn đi học mẫu giáo trường công: 570.000 đ/tháng
- Sữa cho 2 con: 800.000đ
- Bỉm (chỉ dùng cho bé nhỏ buổi tối): 100.000 đ
- Đồ ăn vặt thêm cho 2 bé: 200.000đ
- Đồ chơi + Quần áo: 400.000đ
- Tiền đưa thêm cho bà nội mua đồ ăn vặt cho bé nhỏ hàng ngày: 150.000đ (Bé nhỏ gửi bà nội gần nhà nên không phải mất tiền gửi trẻ).
3. Tiền sinh hoạt: 1.080.000đ
Vì đi làm cả ngày, tối mới về nhà nên tiền điện nước nhà chị Hoài cũng khá khiêm tốn:
- Điện: 200.000đ
- Intenet (5 nhà chung 1 cổng): 50.000đ
- Nước: 30.000đ
- Đồ sinh hoạt: 200.000đ
- Điện thoại: 200.000đ
- Xăng: 200.000đ (2 vợ chồng chị đều đi làm cách nhà khoảng 3-4km, đến văn phòng lại không phải ra ngoài)
- Tiền gạo, rau: 0 đồng (do được ông bà ngoại chu cấp gạo và rau hàng tháng nên hầu như chị Hoài không mất tiền mua gạo, mua rau hàng ngày)
- Các khoản phụ thu khác như phí thu gom rác: 100-200.000đ
4. Tiền ma chay, cưới hỏi, giỗ: 1.000.000đ/tháng
Tổng chi: 8.200.000 đ/tháng
Tổng thu: 15.000.000 đ/tháng
Tiết kiệm: 6.800.000 đ/tháng
Mẹo chi tiêu tiết kiệm của chị Hoài
- Luôn nhớ mục đích của kế hoạch tiết kiệm: Vì mục tiêu tiết kiệm để sửa sang nhà cửa nên gia đình chị Hoài hiện luôn xiết chặt chi tiêu, đặc biệt không để phát sinh bất cứ một khoản nào ngoài kế hoạch. Nếu phát sinh chị sẽ cố co kéo, cân bằng các khoản khác sao cho không vượt quá số tiền chi tiêu hàng tháng đã đề ra.
Tiền quần áo và mua đồ chơi cho con không phải tháng nào chị cũng mua (Ảnh minh họa) |
- Hạn chế mua sắm, đi chơi: Tiền quần áo và mua đồ chơi cho con không phải tháng nào chị cũng mua. Vì thế chị chuyển khoản tiền này sang để dành hoặc cho con đi chơi công viên hoặc cả nhà ăn hàng.
Hơn nữa quần áo cho con chị không mua nhiều vì có thể xin được từ nhà chị gái của chị cũng có con nhỏ lớn hơn 2 con chị 2 tuổi.
- Mua đồ khuyến mãi hoặc giảm giá khi đi siêu thị: Điều này vừa vẫn mang được thực phẩm về nhà, lại giúp tiết kiệm chi phí khi mua sắm. Bởi người mua sẽ thấy sự khác biệt lớn về giá cả mà chất lượng vẫn tương đương.
(Theo Trí thức trẻ)