Hình ảnh đường phố, hàng xén thời bao cấp vừa quen vừa lạ trong 250 bức ký họa và cuốn sách “Tập thể Hà Nội - Ký họa & hồi ức" sẽ có mặt trong triển lãm “Ký ức Hà Nội”.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Chỉ đạo nghệ thuật musical show Chuyện phố thời bao cấp cho biết, là một đơn vị nghệ thuật liên tục chuyển động, thay đổi nhằm mang đến những chương trình mới cho khán giả trẻ tuổi nói riêng và khán giả Thủ đô nói chung, Nhà hát Tuổi trẻ muốn kể câu chuyện về Hà Nội những năm 1980 bằng âm nhạc. Khi ấy, cuộc sống còn rất thiếu thốn, khó khăn nhưng đời sống tinh thần của người dân khá sôi nổi, vui tươi.
“Văn nghệ thời bấy giờ có nhiều chuyển động ghi dấu ấn, với sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Từ âm nhạc dân tộc, cổ truyền, đến âm nhạc cách mạng, âm nhạc phương Nam, âm nhạc phương Tây và nhiều vùng miền khác cùng hòa trộn… Tất cả sẽ được làm sống dậy trong chương trình Chuyện phố thời bao cấp nhưng với cách kể đầy mới mẻ, trẻ trung”, NSƯT Sĩ Tiến cho hay.
Chuyện phố thời bao cấp do nhạc sĩ Trần Lệ Chiến viết kịch bản, NSƯT Lê Ánh Tuyết đạo diễn, nhạc sĩ Tuấn Nghĩa và Trần Cường phụ trách âm nhạc, nghệ sĩ Vũ Khánh biên đạo múa, NSƯT Doãn Bằng thiết kế sân khấu.
Là người lên ý tưởng cho show diễn này, NSƯT Lê Ánh Tuyết chia sẻ, Chuyện phố thời bao cấp được thực hiện từ tình yêu với Hà Nội, tình cảm gắn bó, nhớ thương về một thời đã xa. Ê-kíp sáng tạo muốn lưu giữ và làm sống lại những ký ức đó, để khán giả đã từng trải qua có thể trở về và các bạn trẻ thêm hiểu, thêm yêu quá khứ, trân quý những giá trị đương thời.
Không phải là một chương trình âm nhạc đơn thuần, Chuyện phố thời bao cấp giống như một câu chuyện âm nhạc, đưa khán giả đến một gia đình tứ đại đồng đường sống ở phố cổ Hà Nội. Những vui buồn và cả những hạnh phúc riêng tư phản ánh một phần đời sống của người Hà Nội những năm 1980. Mỗi người một cá tính, một công việc, một sở thích khác nhau. Có mâu thuẫn, có va chạm nhưng chính âm nhạc với những giai điệu tuyệt vời như liều thuốc, liệu pháp chữa lành, hàn gắn và hóa giải mọi khúc mắc, đưa mọi người gắn kết với nhau...
Khán giả sẽ được thưởng thức nhiều ca khúc quen thuộc thời đó như: Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Hoa sữa (Hồng Đăng), Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Thành phố buồn (Lam Phương), Bảy ngày đợi mong, Chuyện hẹn hò (Trần Thiện Thanh), Như khúc tình ca, Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện), Câu chuyện nhỏ của tôi (Thanh Tùng), Mặt trời bé con, Tạm biệt chim én (Trần Tiến), Em như tia nắng mặt trời (Nguyễn Đức Trung), Hà Nội những công trình (Quốc Trường), River Babylon (Boney M)...
Các ca khúc được thể hiện bởi giọng ca nổi bật như NSƯT Đức Long, NSƯT Ánh Tuyết, ca sĩ Tôn Sơn, Tuấn Nghĩa, Quốc Chí, Nam Anh, Quang Thiện, Quang Trọng, Thanh Nhàn, Hà Uyển Linh, Mai Hằng, Hồng Giang...
Không chỉ thưởng thức âm nhạc, đến với Chuyện phố thời bao cấp, khán giả còn được đắm chìm trong không gian của một thời quá vãng được các nghệ sĩ sắp đặt tại không gian Nhà hát Tuổi trẻ. Ở đó, có những quầy hàng mậu dịch bán đủ các mặt hàng bằng tem phiếu như thời bao cấp và khán giả được hòa mình vào một đám cưới của người Hà Nội những năm 1980 với nhiều cung bậc cảm xúc...