Không hiếm vụ án, trong suốt thời gian xét xử cho đến giai đoạn thi hành án sau này, bị hại không lên tiếng nhận thiệt hại và đòi bồi thường, dù số tiền bị thiệt hại lên với hàng trăm, thậm chí nghìn tỷ đồng.
Đơn cử như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Năm 2012, vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại tập đoàn này được đưa ra xét xử phúc thẩm. Bản án có hiệu lực kể từ ngày tuyên án, nhưng đến nay, phần dân sự của vụ án vẫn chưa thi hành được là bao. Vừa qua, trong một cuộc họp tổng kết công tác của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã xác nhận, phạm nhân Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch Vinashin, vẫn chưa thi hành án được đồng nào.
Ngoài hình phạt 20 năm tù giam, bị án Phạm Thanh Bình còn phải bồi thường số tiền gần 500 tỷ đồng cho các thiệt hại mà bị án gây ra. Đến nay, các tài sản của Phạm Thanh Bình đang được kê biên để tiếp tục xử lý. Sau này, những tài sản đó sẽ được định giá, bán đấu giá. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xác minh tài sản khác nếu có.
Trong vụ án tại Vinashin, bị hại - CTCP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh đã không làm đơn yêu cầu thi hành án |
Trong vụ án xảy ra tại Vinashin, Tòa án tuyên 9 bị cáo phải liên đới bồi thường cho 6 công ty tổng cộng hơn 1.149 tỷ đồng và nộp án phí dân sự, hình sự, tiền phạt tổng cộng hơn 1,9 tỷ đồng. Trong đó, một công ty chịu thiệt hại trong vụ án là CTCP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh đã không làm đơn yêu cầu thi hành án vì cho rằng mình không có thiệt hại. Công ty không yêu cầu ông Bình và những người khác phải bồi thường theo quyết định của bản án. Điều này khiến nhiều người băn khoăn, nếu các công ty khác không làm đơn yêu cầu thi hành án thì phải chăng những người gây thiệt hại cho Nhà nước sẽ không phải đền tiền?
Theo ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, với các quy định của Luật Thi hành án năm 2008 thì đây là dạng án theo đơn. Do đó, muốn thi hành án, phải có đơn đề nghị của tổ chức đó thì cơ quan có thẩm quyền mới tiến hành thi hành. Cơ quan thi hành án đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về nội dung này. Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu doanh nghiệp đó làm đơn, nhưng họ cho rằng không bị thiệt hại nên từ chối.
Còn nhớ, trong vụ án tham nhũng xảy ra ở CTCP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam Vifon, Bộ Công thương và Bộ Tài chính được triệu tập tới tòa án với tư cách nguyên đơn dân sự (bị hại), tuy nhiên, Bộ Công thương đã từ chối tư cách nguyên đơn dân sự, trong khi Bộ Tài chính thường xuyên vắng mặt. Quá trình xét xử vụ án, các luật sư đã liên tục nhấn mạnh vào điểm này và cho rằng, hai bộ không có đơn đòi bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo, như vậy có nghĩa không có thiệt hại tài sản của Nhà nước, đề nghị tòa án xem xét các bị cáo không chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Không chỉ các cơ quan Nhà nước, không thiếu doanh nghiệp cũng từ chối bồi thường. Chẳng hạn, trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua máy POS từng được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử, Ngân hàng M, một trong số bị hại khẳng định không có thiệt hại. Các bị cáo đã lắp đặt máy POS tại một cửa hàng vàng bạc rồi sử dụng thông tin về các thẻ tín dụng để làm thẻ giả, quẹt thanh toán rồi yêu cầu các ngân hàng chi trả. Trong vụ án này, ngân hàng T. đã bị rút gần 1 tỷ đồng; Ngân hàng M. bị rút gần 11 tỷ đồng. Thiệt hại thực tế của Ngân hàng M. là 9,4 tỷ đồng, ngân hàng này thừa nhận khoản thiệt hại nhưng không yêu cầu bồi thường. Do đó, bản án đã buộc các bị cáo phải hoàn trả khoản tiền đã chiếm đoạt để sung công.
Theo luật sư Hồ Anh Khoa (Công ty Luật Basico), việc không đòi bồi thường thiệt hại có thể là do vấn đề e ngại trách nhiệm. Với khoản tiền lớn, thừa nhận có mất mát, có thiệt hại, đồng nghĩa với việc phải làm rõ ai, cá nhân nào trong đơn vị đó có trách nhiệm. Do đó, dễ hiểu khi người ta không muốn đòi lại số tiền đã mất.
Tuy nhiên, việc không thừa nhận thiệt hại cũng có những rủi ro. Trường hợp phần thiệt hại là khoản lợi ích đáng lẽ nhận được nếu hành vi phạm tội không xảy ra, thì việc không thừa nhận thiệt hại có thể chỉ làm đơn vị đó mất một khoản thu nhập. Nhưng nếu phần thiệt hại là tài sản gốc, số tiền vốn bỏ ra như gốc cho vay, thì sẽ có nhiều rủi ro, bởi khi đó, doanh nghiệp sẽ phải “cấu” từ chỗ khác để bù đắp vào phần thiếu hụt, làm cho bảng cân đối tài sản hợp lý. Mọi hoạt động lấp liếm lỗ hổng sẽ để lại dấu vết và rủi ro có thể đến từ đây.
(Theo ĐTCK)