- Cách đây đúng hai trăm năm, ngày 5/5/1818, cậu bé Karl Marx được sinh ra trong một gia đình tại thành phố Trier cổ kính có bề dày gần hai ngàn năm lịch sử.

Karl Marx
Karl Marx

Sinh ra trong một gia đình bình dân, gốc Do Thái, thời niên thiếu của Marx trải qua không mấy bằng phẳng nhưng cũng không kém phần thi vị do bối cảnh chính trị phức tạp ở Phổ thời đó. Người cha là Heinrich Marx đã phải cải đạo sang đạo Tin Lành thuộc hệ phái Luther nhằm tránh sự định kiến của xã hội Phổ đối với người Do Thái.

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn vì bố mẹ đông con, cậu bé Karl Marx cùng với các anh chị em đã phải dành nhiều thời gian giúp đỡ gia đình mưu sinh kiếm sống. Tuy vậy, ngay từ thời niên thiếu, cậu bé Marx đã kế thừa tinh thần hiếu học của người cha. Khi Karl Marx lên 12 tuổi, trở thành học sinh của trường trung học Trier, là một học sinh giỏi, cậu có sở trường ở môn toán học và những môn học có tính chất độc lập sáng tạo.

Tốt nghiệp Trung học Trier năm 1835, Mác vào Đại học Bonn theo học luật. Tại đây, chàng thanh niên đầy nhiệt huyết tham gia nhóm Quán uống rượu Trier, vì thế việc học tập cũng bị ảnh hưởng.

Năm 1837, chàng trai trẻ Karl Marx chuyển sang Đại học Friedrich Wilhelm ở Berlin và ở đây, chủ yếu quan tâm đến triết học, tham gia nhóm Hegel trẻ, những người thần phục triết gia danh tiếng G. W. F. Hegel. Tình cờ, một trong những giáo sư của Marx lại là Nam tước Westphalen, cha của Jenny von Westphalen, vợ của Marx sau này khi đó chưa hề biết mối tình của chàng với con gái ông.

Chính sự cảm tình của vị giáo sư khả kính đã giúp Marx không chỉ vượt qua những năm tháng học tập gian khổ mà quan trọng hơn là vượt qua những định kiến “không môn đăng hộ đối” trong thiên tình sử của Karl Marx. Năm 1839, vùi đầu vào nghiên cứu những vấn đề của lịch sử triết học cổ đại, hai năm sau khi mới 23 tuổi, Karl Marx nhận bằng Tiến sĩ triết học với đề tài Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcrit (Démocrite) và triết học tự nhiên của Êpiquya (Épicure) tại Đại học Jena.

Vừa tỏ lòng ngưỡng mộ, vừa “tranh thủ tình cảm”, Karl Marx đề tặng bố vợ tương lai luận án tiến sĩ của mình. Năm sau, Karl Marx gặp Ph. Ăng ghen, người sau này vừa là bạn thân, vừa có sự giúp đỡ to lớn cả về vật chất và tinh thần để Marx vượt qua bao sóng gió trong sự nghiệp của mình.

Chuyện tình lãng mạn

cau chuyen tinh lang man giua Karl Marx và vợ

Karl Marx và vợ

Khi còn là cậu bé 12 tuổi ở trường trung học Trier, Marx gặp Jenny khi đó đã là một thiếu nữ 16 tuổi xinh đẹp và kiều diễm, sinh ra trong một gia đình quý phái. Cậu bé Marx đã xiêu lòng tiểu thư từ những lần gặp đầu tiên, ví Jenny là “Nữ hoàng của các vũ hội”. Trong một bức thư gửi cho cha, Marx đã phải thốt lên: “Nghệ thuật cũng không sao đẹp bằng Jenny”.

Sự cách nhau về tuổi tác không ngăn trở họ. Jenny cũng có không ít các bạn trai thuộc dòng dõi quý phái mến mộ, nhưng rồi nàng từ chối tất cả để đến với cậu sinh viên nghèo Karl Marx. Khi phải xa Trier để vào Đại học Bonn, mang theo bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ về người bạn gái thân yêu của mình, Marx viết cho cha: “Khi con rời nhà ra đi, trước mắt con mở ra một thế giới mới, thế giới của tình yêu - một tình yêu say đắm...”.

Năm sau về nghỉ hè, Marx và Jenny đã bí mật hứa hôn với nhau. Tuy vậy, con đường dẫn tới hạnh phúc của họ không suôn sẻ. Thiên kiến của dòng họ Von Westphalen và nhất là của xã hội thượng lưu vây quanh Jenny, không dễ dàng chấp nhận một cô gái quý phái bậc nhất có thể trao cuộc đời cho một chàng sinh viên nghèo, lại mang tư tưởng tự do.

Vượt qua chặng đường nhiều năm trời đấu tranh gian khổ với những thiên kiến tàn nhẫn đó, cuối cùng ngày 19/6/1843, một lễ cưới giản dị khác với tập tục đã được tổ chức, gắn cuộc đời hai con người tuyệt diệu với nhau. Thật là lãng mạn, khi đó, Marx 25 tuổi, còn Jenny 29 tuổi.

Là người có khát vọng tự do, chàng thanh niên Karl Marx tham gia vào nhiều hoạt động chống lại những bất công của xã hội Phổ lúc đó, quyết định dời khỏi nước Đức. Với tình yêu tha thiết, không chút ngại ngùng về cuộc sống có phần phiêu lưu sắp tới, Jenny Mác đã dũng cảm cùng chồng sang Pháp và Bỉ, mở đầu cuộc đời lưu vong đầy sóng gió.

Khi cuộc cách mạng 1848 bùng nổ ở châu Âu, không chỉ Marx bị bắt mà cảnh sát Bỉ đã bỏ tù luôn cả Jenny. Ra tù, trở về Paris, bị chính phủ Pháp can thiệp lần thứ hai, họ phải dời sang London, nước Anh, tha phương cho tới cuối đời luôn trong cảnh đói nghèo.

Cuộc sống khốn khó đã cướp đi ba trong số bảy người con của Marx. “Không có Jenny thì Mác không bao giờ được như thế”, Eleanor Marx Aveling, người con gái út của Marx đã viết về bố mẹ mình như vậy. Tình yêu của Marx và Jenny sau khi kết hôn còn mãnh liệt hơn những năm tháng còn trẻ của họ như một bức thư của Marx gửi cho vợ.

Em yêu quí của anh!

Anh lại được viết thư cho em, bởi vì anh đang cô đơn và bởi vì anh cảm thấy khổ sở khi luôn luôn chỉ được trò chuyện cùng em trong tâm tưởng, còn em lại không biết gì về điều đó, lại không nghe thấy anh và không thể trả lời anh. Em hiện lên trước mắt anh thật là sống động, anh bế em trên tay, hôn em từ đầu đến chân, anh quỳ dưới chân em mà thì thầm: “Anh yêu em !”

Ðương nhiên trong thế gian này có nhiều phụ nữ và có một số người rất đẹp. Nhưng làm sao anh có thể tìm được một gương mặt nữa mà mỗi đường nét, thậm chí cả mỗi nếp nhăn trên đó đều gợi được trong anh những kỷ niệm mãnh liệt và đẹp đẽ nhất của đời anh? Tạm biệt em nhé, em yêu quí của anh, một ngàn lần, một vạn lần hôn em và các con.

Karl của em.


Nguyễn Quang Hưng
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội)

Cuộc đời và cái chết của triết gia "khôn ngoan nhất" thành Athens

Cuộc đời và cái chết của triết gia "khôn ngoan nhất" thành Athens

Socrates (470-399 TCN) là một triết gia thời Hy Lạp cổ đại và là người khởi nguồn chính cho tư tưởng phương Tây. Thông tin về cuộc đời ông ít được biết đến ngoài những ghi chép của chính những học trò, trong đó có triết gia vĩ đại Plato.

Triết học cho trẻ lớp ba ở Phần Lan: Lẽ sống - chết, nhân tính, cá tính...

Triết học cho trẻ lớp ba ở Phần Lan: Lẽ sống - chết, nhân tính, cá tính...

Tôi luôn nghĩ trường học chỉ nên dạy khoa học, kĩ năng, đạo đức..., còn đức tin, tôn giáo thì nên để cho nơi khác nói. 

Trần Đức Thảo và nửa thế kỷ trầm tư triết học

Trần Đức Thảo và nửa thế kỷ trầm tư triết học

Hi vọng chân thật rằng Trần Đức Thảo, nhà mác-xít và nhà hiện tượng luận đặc sắc, cuối cùng sẽ tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử tổng quát của ý nghĩa.

Triết học trong tù

Triết học trong tù

Trong bài nói chuyện ngắn gọn nhưng đầy mạnh mẽ của mình, ông đã kể câu chuyện về một tù nhân đã tiếp cận với triết học như thế nào.

Triết học bị "cưỡng duyên"

Triết học bị "cưỡng duyên"

Không được may mắn như sử học, triết học phải chịu số phận quá bi đát, bị chán, bị ghét, bị ghẻ lạnh bởi người học vì khô khan, vô bổ, rối rắm