Chúng tôi đến với Jordan có lẽ trước hết là do theo Kinh thánh. Vùng đất này có đỉnh núi Nebo – nơi Chúa ban cho Thủ lĩnh người Do Thái Moses thấy được Vùng Đất Hứa.

1. Nebo – thánh tích của ba tôn giáo lớn

Có thể nói, thế giới Ả Rập và vùng đất Trung Đông là nơi tụ hội của bao nền văn minh và sự chìm nổi của dân tộc Do Thái. Theo thời gian, từ dân tộc Do Thái đã ra đời ba tôn giáo lớn nhất và ảnh hưởng nhất trên Thế giới.

{keywords}
Đây là đỉnh núi Nebo

Khởi đầu là Do Thái giáo vào khoảng năm 1500 TCN, tiếp theo là Thiên Chúa giáo được Chúa Jesus sáng lập vào giữa thế kỷ I như một nhánh ly khai từ Do Thái giáo, và cuối cùng là Hồi giáo được nhà tiên tri Muhammad sáng lập vào thế kỷ thứ VI. Chính vì vậy, những Thánh tích ở vùng này đều gắn liền với cả ba tôn giáo, bao gồm gần 4 tỷ người trên thế giới.

Kinh Cựu Ước chép rằng, ông Moses là một bé trai bị mẹ thả trôi sông để tránh sự truy lùng của vua Ai Cập, nhưng may mắn được công chúa Ai Cập cứu và nhận làm con nuôi. Về sau, khi lớn lên và cứu những người Do Thái nô lệ ở Ai Cập, ông được Chúa trời ban phước, rẽ sóng Biển Đỏ cho vượt qua để sang sinh sống tại vùng đất hết sức khắc nghiệt trên Sa mạc Jordan. Tại đây, Chúa đã ban cho ông Moses thấy vùng Đất Hứa.

{keywords}
Nơi đây Chúa đã cho ông Moses nhìn thấy Vùng Đất Hứa

Theo chân người xưa, từ sáng sớm, chuyến bay của Hàng không Ai Cập đưa chúng tôi vượt qua Hồng Hải rồi bay tiếp trên bầu trời Sa mạc Arabia mênh mông để đến Amman – Thủ đô của Vương quốc Jordan. Cách Amman không xa là đỉnh núi Nebo – nơi Chúa Trời đã ban cho ông Moses thấy vùng Đất Hứa.

Từ đây, có thể nhìn thấy tận lưu vực Sông Jordan trù phú, Biển Hồ Galilee, Biển Chết rồi Vùng Jericho, Kinh Thành Jerusalem và cả Bethlehem nơi Thiên Chúa giáng sinh. Tại đỉnh núi thiêng liêng này, các Đức Giáo hoàng La Mã như Jean Paul ll, Benedict XVI cũng đã ghé đến trong các dịp đặc biệt, càng làm cho khách hành hương thêm náo nức.

{keywords}
Bản đồ Vùng Đất Hứa được ghép bởi hơn 2 triệu mảnh sành sứ

Gần Nebo có ngôi nhà thờ lưu giữ bản đồ vùng Đất Hứa bằng nghệ thuật khảm với hai triệu mảnh sành sứ hết sức công phu. Có thể nói, đây là một tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật Mosais.

2. Amman - những công trình kiệt tác ngàn năm tuổi

Nebo là điểm đến đầu tiên trong chuyến hành hương về miền Đất Hứa. Nhưng đã qua Amman thì nơi đây lại trở thành điểm du lịch hết sức cuốn hút với những công trình kiến trúc kỳ vĩ được xây dựng từ mấy ngàn năm trước.

Cụm di tích đầu tiên phải kể đến đó là The Citadel. Đây là cụm công trình kiến trúc cổ được xây dựng giữa thời đại đồ đồng kéo dài tới thời đại đồ sắt. Trong cụm tháp này có 3 công trình kiến trúc rất quan trọng. Đó là nhà thờ Byzantine, đền Hercule cách nhà thờ Byzantine khoảng 100m và gần đó là cung điện Umayyad (còn được gọi là Al – Qaser). Cung điện này cũng là công trình kiến trúc được biết đến nhiều nhất trong cụm thành cổ Amman.

{keywords}
Những đền đài ở Citade.

Ở khu di tích đền Hercule, du khách có thể thấy 3 ngón tay khá lớn bằng đá trắng mà người ta cho rằng đó là phần còn lại của pho tượng thần Hercule được xây dựng từ gần 2000 năm trước.

Cung điện Umayyad được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII, là phần được giữ gìn tốt nhất trong số các tòa nhà và là phần tráng lệ nhất của khu liên hợp. Umayyad có mái vòm rất lớn. Cạnh cung điện là Bể chứa nước Umayyad – nơi cung cấp nước cho các vùng xung quanh.

{keywords}
Cung điện Umayyad với đặc trưng mái vòm hoành tráng

Nhìn bể nước này, bất giác chúng tôi lại nhớ đến giếng quê xưa. Nhưng nếu giếng làng xưa chỉ chứa có vài chục khối nước thì Bể chứa nước Umayyad trước đây từng chứa đến 950.000 lít nước mưa và có những bậc thang để xuống tận đáy bể.

Cũng nằm trong khu liên hợp là Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia, nơi du khách có thể xem bộ sưu tập những hiện vật đầy ấn tượng, gồm các Cuộn sách Biển Chết, một chiếc sọ người đã 6.000 năm và những bức tượng Ain Ghazal, nằm trong số các tác phẩm điêu khắc được phát hiện sớm nhất.

Chúng tôi đã một đôi lần ghé thăm Đấu trường La Mã ở Rome, bởi vậy rất thích thú khi được đến thăm một công trình kiến trúc như vậy ở Amman với tên gọi là Nhà hát La Mã. Đây là một trong những thắng cảnh tráng lệ nhất ở Amman. Di tích ấn tượng được xây dựng trong thời Antoninus Pius cai trị (2.000 năm tuổi). Nhà hát nghiêng và dốc kiểu như các sân vận động lớn hiện nay. Đặc biệt, nhà hát có độ vang âm đáng kinh ngạc, thiết kế khéo léo và có sức chứa khoảng 6.000 người.

{keywords}
Nhà hát La Mã ở Amman có sức chứa 6000 chỗ ngồi

Là một diễn viên điện ảnh kỳ cựu, chị Đức Lưu có nhiều hiểu biết về sân khấu đã cùng chúng tôi khám phá từ vị trí các chỗ ngồi của khán giả đến phần dành cho diễn viên, rồi thử độ vang vọng của âm thanh và tính đến độ chiếu sáng sân khấu từ thuở xa xưa chưa có điện, chưa có tăng âm… Nhờ đó mà càng hiểu thêm giá trị của những công trình thiên niên kỷ.

3. Petra: Kỳ quan Thế giới mới

Đã đến Amman thì lại không thể không đến Petra - một trong 7 kỳ quan Thế giới mới được UNESCO công nhận năm 2007. Để hiểu được vì sao có Petra, có lẽ cũng cần có cái nhìn tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử của Jordan. Nhìn trên bản đồ, có thể dễ dàng nhận thấy Jordan là điểm kết nối 3 châu lục: châu Á, châu Âu và châu Phi.

Có lẽ với vị trí là điểm giao giữa con đường thương mại trên sa mạc, Jordan tồn tại rất nhiều nền văn minh như Sumenia, Akkiadia, Babylonia, Asyria, Mesopotamia, Ba Tư... Có thời, Jordan là một phần của đế quốc Ai Cập thời các vua Pharaon và sản sinh ra nền văn minh Nabatea, để lại nhiều tàn tích khảo cổ tại Petra.

Từ Thủ đô Amman, chúng tôi đi auto vượt qua chặng đường 185km mới đến Petra. Tại đây, du khách phải ngủ qua đêm ở các khách sạn có thương hiệu quốc tế, được xây dựng khá xa nhau trên các sườn núi đá ven đường, dành sức cho ngày hôm sau có đủ thời gian vào khám phá thành phố cổ Petra. Nghe nói trong tiếng Arap, Petra là đá, thì nơi đây có ngút ngàn núi đá.

{keywords}
Công trình nối tiếp công trình

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tìm đến cổng Di sản kỳ quan thế giới mới Petra. Từ đây, mỗi người tự chọn một trong ba hình thức để vào thăm trung tâm thành phố cổ Petra. Một là đi xe ngựa giá không hề rẻ: 40 USD. Đoàn chúng tôi có nữ nghệ sĩ Đức Lưu – người từng nổi tiếng với vai Thị Nở, năm nay đã 80 tuổi, chọn cách đi này. Hai là cưỡi ngựa hay lạc đà khoảng từ 10 đến 20 USD. Trong đoàn, nhiều người thích khám phá chọn cách đi này.

Ba là đi bộ với đường đá bụi mù nhưng thoải mái chụp ảnh các hang động, có nhiều chỗ người xưa cư trú trên đường. Tôi chọn cách này, nhưng cũng phải cố gắng lắm mới vượt qua được chặng đường khổ ải.

{keywords}
Qua khe nứt 1,2km để vào Petra

Phải qua cả một chặng đường hẹp, thực chất là một khe nứt của núi đá dài hơn 1km gọi là SIQ, tưởng chừng như đi vào nơi bế tắc. Bởi vậy, khi Tòa nhà “Kho báu” hiện ra trước mắt thì có thể nói bao nhọc nhằn đều biến mất.

Trước khi đến, chúng tôi không thể hình dung ra cả mấy ngàn năm trước mà người xưa đã dám khoét núi đá để tạo nên một công trình tầm cỡ tráng lệ như vậy. Nhìn những cột đá tròn cao vút, những hoa văn mềm mại với kết cấu chặt chẽ, chính xác thật đáng khâm phục. Kích cỡ mặt tiền được đo với chiều cao 39 mét, chiều rộng 25 mét, thiết kế chủ yếu theo cấu trúc Hy Lạp.

{keywords}
Kho báu - lâu đài - The Treasury

Các hình ảnh được minh họa cũng bao gồm quái vật sư tử đầu chim và đại bàng – hai con vật có cánh được coi là biểu tượng của chiến thắng. Cùng với đó là hình ảnh các loài thực vật như cây anh túc, nho và cây lựu. Hình hoa hồng – biểu tượng của hoàng tộc cũng được tìm thấy, chứng tỏ rằng đây là mộ của một vị vua.

Từ “Kho báu” lại có thể chọn cách đi ngựa, lừa hay lạc đà để tiến vào các khu xa hơn. Nếu không, có thể đi bộ qua các khu Nhà hát và vào khu thương mại, mộ vua, mộ dân...

{keywords}
Muốn vào xa hơn trong phạm vi thành Petra phải đi lừa, ngựa hay lạc đà

Chúng tôi dừng lại khá lâu ở nhà hát, chẳng khác gì đấu trường La Mã mà chúng tôi đã từng được tham quan ở Rome hay ở Amman. Giữa núi đá hiểm trở, nhà hát vẫn có sức chứa hàng mấy ngàn người ngồi theo vòng cung rất đẹp. Đến khu chợ, vẫn là khoét vào núi đá để tạo ra các gian hàng. Từ dưới đường đi nhìn lên có thể thấy rõ từng gian hàng một.

Trong nhóm chúng tôi, không chỉ một số anh em trẻ mà cả những du khách nữ sau tuổi nghỉ hưu như cô Hiền, cô Loan đã cùng nhau lên tận tu viện Ad-Deir tọa lạc trên một ngọn núi. Để đến đây, du khách phải leo lên 800 bậc thang khá vất vả, nhưng bù lại họ được chứng kiến một công trình thật kỳ vĩ.

{keywords}
Nhóm du lịch Migola cố leo lên tu viên có tới 800 bậc thang

Ấn tượng đối với Petra không chỉ nằm ở hơn 800 công trình kiến trúc to nhỏ một thời, mà ở đây còn cho thấy trình độ khám phá, thiết kế xây dựng để bảo tồn, tích trữ và cung cấp nguồn nước trên một hệ thống núi đá thật đáng khâm phục. Vẫn còn đây những đường dẫn nước bằng ống đất nung đặt theo các vách núi và những hầm tích nước để cung cấp cho đô thị có tới 25.000 dân. Người ta có thể thấy Petra chính là nơi mà mọi nẻo đường trên sa mạc cần hướng tới để “tiếp nước”.

Petra là nơi trung chuyển những mặt hàng xa xỉ nhất thời bấy giờ: tơ lụa, gia vị, đá quý, lạc đà, dầu ô liu và rượu vang... Nhờ đánh thuế rất cao vào các mặt hàng đó, nơi này trở nên cực kỳ giàu có và xây dựng được những công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga. Đó là thành tựu của một dân tộc Ả Rập mang tên Nabatean. Petra xứng đáng là địa điểm Kỳ quan thế giới .


Đưa chúng tôi đi tham quan các danh lam thắng cảnh ở Jordan là ông Hasan Abdulla, Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên của Jordan. Với tính tình vui vẻ, thoải mái cùng nhiều kiến thức khá uyên thâm, ông đã làm trong ngành du lịch được 20 năm.

Ông cho biết, vài năm gần đây ông mới được tiếp đón người Việt. Ông chưa từng đến Việt Nam nhưng rất thích người Việt, bởi ông biết chỉ có người Việt mới dám đánh Mỹ và thắng Mỹ. Và chúng tôi hẹn sẽ có ngày được tiếp ông trên đất nước Việt Nam.

(Theo Nguyễn Lương Phán/ Dân trí)