Ảnh: Quartz
Tuy nhiên, ông cho rằng thứ chúng ta cần tập trung vào không phải là nội dung chương trình học hay người học mà chính là khả năng yêu thương của học sinh.
Mới đây, trong khi thảo luận tại hội nghị OECD, ông đã khẳng định: "Nếu muốn thành công, bạn cần có EQ rất cao, nó là công cụ giúp bạn kết nối với mọi người. Nhưng nếu không muốn sớm trở thành kẻ thua cuộc, bạn cũng cần có một chỉ số IQ tốt. Và nếu muốn được mọi người kính trọng, bạn còn cần có cả LQ – chỉ số về tình yêu thương. Bộ não chúng ta có thể được thay thế bằng máy móc nhưng tâm hồn không bao giờ".
Những lời này rất phù hợp với chủ đề của ngày hội nghị. Tại đây, OECD đã chia sẻ kết quả của cuộc nghiên cứu trên toàn cầu với đối tượng chính là trẻ vị thành niên ở độ tuổi 15 để cùng thảo luận về những cách thức giúp thúc đẩy hệ thống giáo dục chuyển đổi từ vai trò là nhà máy luyện thi thành nơi cho trẻ em có cơ hội học không chỉ là về kiến thức mà còn là khả năng tự nhận thức, cảm thông, và kĩ năng làm việc nhóm.
Andreas Achleicher, giám đốc đơn vị giáo dục của OECD, tán dương hướng tiếp cận của Jack Ma. Chúng ta đã nói rất nhiều về tính cần thiết của sự thay đổi kể trên nhưng nhóm các nhà lãnh đạo vẫn luôn quan niệm rằng giáo dục là phương tiện để đào tạo ra thế hệ nhân công mới chứ không phải là thứ để nuôi dưỡng con người. Từ phát biểu của Jack Ma, Schleicher nhấn mạnh: chúng ta đã dành rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng nhiều phương pháp giảng dạy nhưng lại quên mất việc quyết định xem đâu mới là thứ mà chúng ta cần dạy.
Jack Ma cho rằng, trong tương lai, mọi yếu tố từ giáo viên, lớp học cho tới học sinh nên phải được thảo luận lại. Mỗi tiết học sẽ không phải là một đơn vị cố định trong khoảng thời gian 40 phút, giáo viên cũng sẽ không phải là người sở hữu toàn bộ vốn kiến thức, giáo dục khi ấy sẽ bao hàm cả về làm sao để đặt ra câu hỏi đúng chứ không chỉ về việc tìm ra được câu trả lời chính xác. "Bất kì thứ gì có thể được giới hạn bằng những tiêu chuẩn thì đều có thể bị thay thế bằng máy móc" – ông nói.
Tuy vậy, nhiều nhà giáo dục lại có ý kiến bất đồng với cách tiếp cận này, họ cho rằng vai trò của kiến thức không nên được xem nhẹ và trường học nên tập trung vào một khuôn khổ kiến thức và những kì vọng cao về tính học thuật.
Jack Ma tự nhận rằng mình chỉ là một nhà giáo dục "không chuyên". Nhưng điều đó không có nghĩa là ông thiếu đi những kinh nghiệm cần có: ông đã từng vài lần thi trượt đại học, ngoài ra ông cũng đã có thời gian giảng dạy ở trường học. Ông cũng kể rằng hồi ấy, bất kì ai thất bại trước mục tiêu truyền thống - thi đỗ vào những trường đại học danh tiếng - cuối cùng đều trở thành giáo viên.
Jack Ma tin rằng việc dạy học đã giúp ông thu nhập được nhiều bài học quan trọng cho khoảng thời gian làm CEO của mình. "Tôi học được tất cả mọi thứ khi còn là một nhà giáo. Rằng làm thế nào để truyền cảm hứng, tin tưởng và chắp cánh cho chính học trò của mình".
Quan niệm của Jack Ma về xây dựng không gian học đường
Tại sự kiện, Jack Ma cũng đưa ra một vài gợi ý về những vấn đề cần thay đổi. Ông cho rằng, chúng ta nên đầu tư hơn vào thời thơ ấu của trẻ, khoảng thời gian hình thành những kĩ năng và giá trị bản thân, thay vì tập trung vào giai đoạn đại học bởi đây là lúc mọi giá trị đã đều được thiết lập. Theo ông thì lớp mẫu giáo và trường tiểu học sẽ đóng vai trò là một đòn bẩy, trực tiếp định hình trẻ em. Ông cũng mong muốn là sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ hơn nữa dành cho nhà giáo. "Kính trọng nghề giáo tức là kính trọng tri thức và tương lai" – ông nói. Ngoài ra, Jack Ma còn kêu gọi tăng lương cho giáo viên và liên tục nâng cao kĩ năng lãnh đạo cho các hiệu trưởng, bởi vì hiện nay, 60% nhà giáo bỏ nghề là vì họ có mâu thuẫn với hiệu trưởng của mình.
Bên cạnh đó, ông cho rằng giáo dục cần thay đổi công cụ đánh giá và xếp hạng chính của nó mà cụ thể là những bài kiểm tra. Jack Ma thường hỏi học sinh về lí do tại sao chúng lại dành nhiều công sức để chuẩn bị cho kì thi tới thế. Câu hỏi này đã giúp ông hiểu được rằng đối với học sinh, những kì thi chỉ là thứ để giúp chúng vào được trường đại học để từ đó có một công việc ổn định. Nhưng dưới cương vị CEO, ông còn thấy một thực tế rằng Alibaba luôn phải đào tạo lại các sinh viên tốt nghiệp đại học để họ có thể làm tốt nhiệm vụ của mình.
"Trường đại học không phải là thứ giúp đảm bảo cho bạn một công việc", ông cũng bổ sung rằng MIT hay Harvard không quan trọng bằng hình ảnh mà các cử viên xin việc sẵn sàng hướng tới thông qua học tập. Jack Ma cũng từng đã từng nói vui rằng một tấm bằng đại học chỉ giống như một "tờ biên lai thu học phí" mà thôi.
Ông còn kêu gọi trẻ em nên học cách đối mặt với những thất bại. "Không phải tự nhiên mà người ta tới giúp đỡ bạn. Bạn nên học về việc bị từ chối". Trong quá khứ của mình, Jack Ma đã bị từ chối nhập học bởi Harvard tới 10 lần.
Cuối cùng, ông khuyên rằng giáo dục nên mang tính toàn cầu hơn nữa, rằng chúng ta nên tập trung hơn vào kĩ năng làm việc nhóm. Và cách để đạt được mục tiêu này chính là chúng ta phải có thêm thời lượng cho những hoạt động về nghệ thuật, khiêu vũ, hội họa và các môn thể thao mang tính đồng đội. Chính ông cũng đã thành lập một ngôi trường, nơi mà không hề có bài tập về nhà cho học sinh, thay vào đó là khoảng thời gian cho các môn thể thao.
Để kết thúc cho nội dung thảo luận của mình, Jack Ma nhấn mạnh rằng trong thế kỉ trước, chúng ta chiến thắng nhờ cơ bắp, nhưng ở thế kỉ này thắng lợi sẽ được xây dựng bằng tri thức. "Đây chính là thế kỉ của những thắng lợi hình thành từ sự kề vai sát cánh của cả thế giới" – ông nói thêm.
Trung ND