Nhiều vụ cháy liên tiếp ở Hà Nội thời gian gần đây khiến cộng đồng xót thương trước những mất mát quá lớn về người. Đáng nói, sự quan tâm về phòng cháy vẫn "nguội", ít người chủ động cho tình huống "chạy lối nào khi nhà mình cháy".
Vụ cháy nhà dân tại phố Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra ngày 16/6, làm 1 người lớn và 3 trẻ em tử vong khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng.
Sau vụ cháy, nhiều bạn đọc đặt vấn đề: "Gần đây liên tiếp cháy nhà làm tử vong nhiều người, ai làm nhà nên tính toán đến việc thoát hiểm".
Bạn đọc tên Mai cảnh báo: "Mọi người ngay lập tức đứng dậy kiểm tra thật kỹ căn nhà của mình, nghĩ xem nếu xảy ra hỏa hoạn thì đâu là con đường thoát hiểm ngắn nhất. Phải nghĩ kỹ trước khi quá muộn chứ đến lúc xảy ra thì đã muộn rồi. Hãy lập tức tìm đường thoát nạn với tình huống nhà mình đang cháy".
Theo bạn đọc Minh Anh, những vụ cháy nhà gây thiệt hại nặng nề về người luôn để lại sự xót thương và tiếc nuối, nhưng sau đó việc phòng cháy lại bị xem nhẹ.
"Sau những sự việc đau lòng này, mỗi người hãy bớt 15 - 20 phút, đừng phí thời gian dán mắt vào điện thoại, hãy để thời gian đó quan sát khả năng thoát hiểm, hướng thoát hiểm trong ngôi nhà của mình", bạn đọc Minh Anh nói.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), chỉ riêng trong tháng 4 vừa qua, toàn quốc xảy ra 372 vụ cháy.
Đáng lưu ý, các vụ cháy vẫn chủ yếu xảy ra tại địa bàn thành thị với 218 vụ (chiếm 58,6%). Trong đó có 39% (145 vụ) cháy ở nhà dân, 20 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 5,4%).
Đặc biệt, có tới 75,5% vụ cháy xảy ra là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện, 15,7% do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, trong đó có những vụ để lại hậu quả nghiêm trọng về người.
Đáng nói, vào rạng sáng 24/5, tại một nhà dân kết hợp ở và cho thuê trọ ở phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra hỏa hoạn khiến 14 người thiệt mạng.
Chủ động phòng cháy, tính trước đường thoát nạn trong mọi tình huống
Trao đổi với PV VietNamNet, TS. Bùi Hùng Thắng (Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, qua kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với ngành điện, ông nhận thấy đa phần những vụ cháy trong mùa hè đều xuất phát từ sự cố điện.
“Do đó, khâu đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy liên quan đến điện có vai trò rất quan trọng. Ví dụ, chỉ cần một chiếc điện thoại gặp sự cố về pin vào ban đêm khi đang sạc mà không phát hiện kịp thời, có thể gây hỏa hoạn cho cả ngôi nhà”, TS. Bùi Hùng Thắng nói.
Để phòng tránh các sự cố về hệ thống điện, TS. Bùi Hùng Thắng cho rằng, mọi gia đình nên chọn dây điện đủ tải, lắp đặt aptomat, cầu chì cho từng thiết bị có công suất lớn, cho từng tầng, từng phòng.
Đặc biệt, không để vật liệu dễ cháy gần bảng điện, cầu dao, thiết bị đốt nóng, thiết bị điện có công suất lớn (cách tối thiểu 50cm)...
Cũng theo TS. Bùi Hùng Thắng, nếu vắng nhà dài ngày, phải ngắt cầu dao tổng của cả ngôi nhà. Ngoài ra, không sạc điện thoại, xe máy (xe đạp) điện hoặc các thiết bị tiêu thụ điện khác qua đêm. Đồng thời, hạn chế sử dụng điện năng trong giờ cao điểm để tránh làm quá tải nguồn.
Một kỹ sư xây dựng cũng khuyến cáo, do chưa có quy chuẩn về hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với nhà nhỏ - nhà dân xây để ở, nên rất cần sự chủ động phòng cháy của chính chủ nhà. Quy định PCCC chỉ được áp dụng bắt buộc với những nhà xây cho thuê, kinh doanh, sản xuất. Vì vậy, mọi người dân phải có ý thức phòng cháy thì mới ngăn ngừa được những vụ cháy thảm khốc.
Vị kỹ sư này cũng cho rằng, khi thiết kế nhà, người dân cần đặc biệt lưu ý đến lối thoát hiểm ra ban công và lên mái.
“Hiện nay nhiều gia đình do tận dụng không gian, sợ kẻ gian vào nhà nên những chỗ đáng lẽ phải thiết kế lối thoát hiểm thì lại bịt kín, làm 'chuồng cọp'... Đến khi có sự cố cháy, người trong nhà không thể chạy ra ngoài, rất nguy hiểm”, vị kỹ sư này phân tích.
Để phòng ngừa cháy nổ trong mùa nắng nóng, cũng như bảo đảm an toàn, mỗi gia đình nên hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy như gỗ, nhựa xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn. Không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt bịt kín ban công nhà cao tầng.
Trong trường hợp đã lắp đặt "chuồng cọp", người dân nên bố trí ô cửa chốt trong, chuẩn bị sẵn thang dây, dây để thoát nạn khi xảy ra cháy.
Ngoài ra, cần bố trí nơi thờ cúng hợp lý. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên vật liệu không cháy, cách xa vật dễ cháy. Khi đốt vàng mã phải trông coi, tránh không để gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
Khi sử dụng bếp gas phải bố trí ở nơi thông thoáng, xa nguồn nhiệt và các vật dụng dễ cháy, nổ. Khi không dùng bếp gas, phải đóng van bình, khóa van bếp.
Mỗi gia đình nên thực hiện việc lắp camera để quan sát nhà qua điện thoại; lắp chuông báo cháy để giúp cảnh báo sớm khi xảy ra cháy.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng đưa ra khuyến cáo, người dân cần tự trang bị bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, bộ dây thoát, các dụng cụ phá dỡ như búa, cuốc chim, xà beng… để thoát nạn khi xảy ra cháy.
Đồng thời, người dân nên tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện về PCCC để nắm vững các kiến thức, kỹ năng.
Khi xảy ra cháy, hãy bình tĩnh di chuyển ra ngoài đám cháy, hô hoán báo động cho mọi người giúp đỡ. Dùng mặt nạ phòng độc hoặc khăn, vải mềm thấm nước để che mũi, miệng, cơ thể.
Sau đó gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH qua số điện thoại 114, app báo cháy 114, hoặc chính quyền, công an nơi xảy ra cháy để được trợ giúp.
Cảnh sát PCCC&CNCH trên địa bàn Hà Nội đã điều động 4 xe cứu hỏa cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến chữa cháy tại một xưởng thu mua phế liệu ở xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai.